Bài 1: Thực trạng buồn
Trên toàn tỉnh Cao Bằng, hầu như ở bất cứ nơi nào có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì đều diễn ra tình trạng tảo hôn, song không thể đưa ra con số thống kê chính xác. Mặc dù phát hiện có nhiều vụ tảo hôn nhưng không thể buộc chấm dứt tình trạng trên, vì thế tình trạng tảo hôn ở trẻ vị thành niên vẫn tăng qua từng năm. Hệ lụy của những cặp vợ chồng cưới nhau ở độ tuổi 15, 16, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” là đói nghèo, con cái sinh ra còi cọc. Bố mẹ chưa trưởng thành nên ý thức, kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc con cái cũng vì thế mà rất hạn chế.
Những thống kê... buồn
Đây là số liệu do Đoàn giám sát của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Cao Bằng tổng hợp khi thực hiện chuyên đề giám sát tình hình thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Đến các xã trên địa bàn tỉnh trong đợt giám sát, chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh các bé gái mới 15-16 tuổi đã trở thành những người vợ, người mẹ. Thế nhưng, khi hỏi đến Luật Hôn nhân và gia đình, về những vấn đề liên quan đến TH&HNCHT, các em đều không biết. Hỏi tại sao lại lấy vợ, lấy chồng sớm, tại sao kết hôn với người cùng dòng họ? Những câu trả lời chúng tôi nhận được là "để có thêm người phụ giúp gia đình" hay hồn nhiên như "thấy thích nhau thì lấy thôi"...
Em Hoàng Thị L (xóm Đon Sài, xã Mông Ân, huyện Bảo Lâm) năm nay vừa tròn 19 tuổi - độ tuổi rực rỡ nhất của người con gái, nhưng L đã làm vợ người ta từ 4 năm trước và hiện đã có 2 đứa con. Trò chuyện với chúng tôi, em L cho hay: “Em lấy chồng năm 15 tuổi khi đang học trung học cơ sở, chồng em lúc đó cũng mới 16 tuổi”. Lấy chồng sớm thế có vất vả không? Nghe chúng tôi hỏi, em L bẽn lẽn trả lời: “Vất vả lắm ạ". Để có được bữa cơm, hai vợ chồng em phải vất vả làm thuê, đầu tắt mặt tối và chẳng dám mơ về ngôi nhà riêng như nhiều cặp vợ chồng khác.
Bà Đàm Thị Mong, Phó Chủ tịch UBND xã Mông Ân cho biết, giai đoạn 2015-2023, trên địa bàn xã có 147 cặp tảo hôn, từ năm 2015-2020 có xu hướng giảm, nhưng năm 2020 đến nay lại có xu hướng tăng, tỷ lệ tảo hôn của xã ở mức cao so với các xã trong huyện. Thường sau các kỳ nghỉ lễ, Tết, nghỉ Hè, một số em học sinh bỏ học ở nhà lấy chồng. Những trường hợp như vậy xã không làm giấy đăng ký kết hôn. Chính quyền xã chưa thể tìm ra giải pháp căn cơ để đẩy lùi tình trạng này.
Một thực tế đáng lo ngại hiện nay, đó là nhiều người xem việc cưới gả con cái là việc của gia đình họ, chính quyền không nên can thiệp khiến việc đẩy lùi và ngăn chặn việc tảo hôn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, các em thường xuyên sử dụng điện thoại, kết nối với nhau qua mạng xã hội nảy sinh tình cảm dẫn đến gia tăng tình trạng tảo hôn. Việc sử dụng điện thoại thông minh của thanh, thiếu niên không được kiểm soát dẫn đến tình trạng tiếp cận với các sản phẩm văn hóa độc hại, thiếu lành mạnh, gây ra những tác hại tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên. Từ đây, nhiều cặp có thai ngoài ý muốn, buộc hai bên gia đình phải tổ chức cưới hỏi dù chưa đến tuổi kết hôn.
Chị Tô Thị Thi, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Hà Quảng dẫn đoàn chúng tôi vào xóm Lũng Gà, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng. Bà Thi chia sẻ: Người Mông quan niệm, lấy chồng, lấy vợ trong họ tộc, tài sản sẽ không thất thoát ra ngoài. Họ hàng kết hôn với nhau sẽ được gia đình hai bên yêu thương, đùm bọc... Đa số đồng bào ở đây nhận thức còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật tới người dân ở nhiều địa phương còn yếu; phong tục, tập quán lạc hậu ăn sâu, bám rễ vào đời sống của bà con; sự quản lý lỏng lẻo từ phía gia đình, nhà trường; việc bùng nổ công nghệ thông tin, ảnh hưởng từ internet, mạng xã hội..., đó là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn.
Ông Vương Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn trao đổi với Đoàn giám sát: Mặc dù không có điều kiện, nhưng đồng bào người Mông thách cưới rất cao, nhẹ thì 40 triệu đồng, cao thì 50-60 triệu đồng. Ngoài ra, có gia đình vì hoàn cảnh kinh tế, chỉ muốn gả con sớm để giảm bớt gánh nặng và có được tiền, trong khi nhà trai lại muốn có thêm người để làm nương rẫy. Người Mông còn có tục “bắt vợ” - nét văn hóa lâu đời của đồng bào nơi đây, nhưng hiện nay đang bị lạm dụng, biến tướng. Nhiều thiếu nữ Mông ở đây chưa đủ tuổi kết hôn, thậm chí các bé gái mới 12-13 tuổi đã bị thanh niên bản “bắt” về làm vợ.
Ngoài ra, người Mông có tập tục “bắt vợ”, tập tục này là nét văn hóa lâu đời của đồng bào nơi đây, thế nhưng hiện nay đang bị lạm dụng, biến tướng. Nhiều thiếu nữ Mông ở đây chưa đủ tuổi kết hôn, thậm chí các bé gái mới 12, 13 tuổi đã bị thanh niên bản “bắt” về làm vợ.
Theo đại diện Phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm, phần lớn các cuộc hôn nhân này đều lén lút, họ sống với nhau đến lúc đủ tuổi đăng ký mới ra trình diện chính quyền để làm đăng ký kết hôn, trong đó có cả bộ phận đảng viên, con em cán bộ công chức. Nhiều cặp vợ chồng còn phớt lờ chuyện này, chỉ khi con cái đến trường, cán bộ Tư pháp về tận nhà “nài nỉ” mới chịu ký vào giấy đăng ký kết hôn. Thực trạng này xuất phát từ tập tục của bà con nơi đây nên rất khó để tác động, dù rằng chính quyền và các cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, gặp gỡ nói chuyện về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhưng “đâu rồi lại vào đấy”.
Nhận diện khó khăn
Theo đánh giá của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Cao Bằng, qua giám sát cho thấy, công tác xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình của các địa phương cơ bản được thực hiện theo quy định. Một số huyện rất kiên quyết trong công tác này như Bảo Lạc đã xử lý 3 trường hợp vi phạm về tảo hôn tại xã Bảo Toàn... Tuy nhiên, hầu hết các địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao vẫn đang gặp khó trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tảo hôn hoặc khó xử phạt rốt ráo.
Bà Hoàng Thị Huế, Chủ tịch UBND xã Lương Thông (huyện Hà Quảng) cho hay: Từ trước đến nay, UBND xã đã ra quyết định xử phạt một số trường hợp tảo hôn nhưng chỉ có 1 trường hợp chấp hành do được người thân, họ hàng có hiểu biết về pháp luật phối hợp vận động. Số còn lại bỏ lên rẫy ở chứ quyết không nộp phạt. Đây cũng là cái khó chung của một số địa phương trong tỉnh.
Theo ghi nhận của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Cao Bằng, công tác xử lý vi phạm đối với các trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn chưa được thực hiện nghiêm. Tình trạng xử lý vi phạm về hôn nhân và gia đình còn chưa kiên quyết do có yếu tố tình cảm, tâm lý nể nang. Việc xử lý vi phạm hành chính về tảo hôn còn gặp khó khăn do các gia đình cho con tảo hôn, phần lớn là hộ nghèo, không có khả năng nộp phạt. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên xem việc xử lý vi phạm hành chính là giải pháp răn đe trước mắt. Về lâu dài, hệ thống chính trị cơ sở cần phối hợp tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và chủ động thay đổi hành vi. Một khi hiểu rõ hệ lụy của tảo hôn, bản thân các bạn trẻ sẽ biết cần lựa chọn những gì.
Vấn đề khó khăn về kinh phí khi triển khai thực hiện Đề án cũng được các đại biểu đề cập, ông Bàn Văn Lân, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nguyên Bình cho biết: Thời gian qua, mỗi mô hình điểm được ngân sách cấp 3,5 triệu đồng/năm. Số kinh phí này được dành để chi phí tiền nước uống trong các cuộc sinh hoạt hàng tháng; tiền kẻ, vẽ pa nô, áp phích… đã cơ bản hết, thậm chí còn thiếu, nói gì đến việc có kinh phí để tổ chức những hình thức tuyên truyền, vận động dễ hiểu, dễ nhớ, dễ gây ấn tượng với đồng bào như sân khấu hóa, hội thi tìm hiểu pháp luật hôn nhân, gia đình…Nhìn chung, các mô hình đều phải xin hỗ trợ thêm từ ngân sách xã và việc có hỗ trợ hay không, mức hỗ trợ như thế nào tùy thuộc hoàn toàn vào khả năng, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền mỗi xã, dẫn đến bị động trong khâu tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, Cao Bằng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trình độ phát triển của các dân tộc không đồng đều; trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa và các tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; địa bàn dân cư dàn trải, không tập trung, trong khi đó tảo hôn và sinh con ở tuổi vị thành niên chủ yếu được đồng ý của hai gia đình các cặp nam nữ đến sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc đăng ký kết hôn muộn hơn; nên công tác đăng ký kết hôn và quản lý hộ tịch, hộ khẩu gặp không ít khó khăn, cán bộ tư pháp xã chưa nắm bắt kịp thời, chính xác về tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương); nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế; một số phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa được xóa bỏ.
Tác giả: Nông Thị Huế (Phòng Dân nguyện - Thông tin)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn