Toàn tỉnh hiện có 36 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) còn hiệu lực, trong đó, 25 mỏ đá trữ lượng cấp phép trên 12,9 triệu m3, công suất khai thác 820.678 m3/năm; 9 mỏ cát, sỏi trữ lượng cấp phép trên 3,7 triệu m3, công suất khai thác 331.655 m3/năm; 2 mỏ đất sét trữ lượng cấp phép trên 3,1 triệu m3, công suất khai thác 85.000 m3/năm.
Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức 5 cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXDTT tại 20 mỏ (15 mỏ đá, 2 mỏ cát, sỏi lòng sông, 3 mỏ cát, sỏi đồi). Đến nay, mới chỉ cấp phép khai thác 6 mỏ (1 mỏ cát, sỏi lòng sông, 1 mỏ cát sỏi đồi, 4 mỏ đá); 14 mỏ đã trúng đấu giá khoáng sản cơ bản được cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, đang thực hiện các bước cấp chủ trương đầu tư.
Qua đánh giá, công suất khai thác VLXDTT hiện nay chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng vật liệu của tỉnh, trong đó có một số địa phương như Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang hiện đang thiếu nghiêm trọng VLXDTT phục vụ nhu cầu sử dụng vật liệu cho các công trình giao thông, công trình thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
UBND các huyện, doanh nghiệp kiến nghị: UBND tỉnh tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn về VLXDTT tại chỗ cho các huyện, đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu ngày càng tăng cao như hiện nay. Các sở, ngành liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp quy trình, thủ tục nâng công suất, trữ lượng khai thác các điểm, mỏ trong năm 2023; tư vấn mở rộng diện tích các điểm, mỏ; cấp điều chỉnh giấy khép tăng công suất. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ điều kiện về trữ lượng, thiết bị máy móc được khai thác các điểm cát nhỏ lẻ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Phần lớn các mỏ đều vướng mắc thủ tục đất đai để thực hiện thủ tục “chấp thuận việc thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án”; một số dự án chưa thỏa thuận được với tổ chức, người dân có đất dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, chậm đưa mỏ vào khai thác…
UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đối với việc thẩm định các dự án điều chỉnh giấy phép nâng công suất khai thác mỏ, sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư; Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương triển khai ngay việc thẩm định, xin ý kiến các ngành theo quy định. Trên cơ sở ý kiến của các ngành, chủ đầu tư khẩn trương chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ và nộp làm cơ sở trình UBND tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư. Sở Tài nguyên và Môi trường ưu tiên giải quyết thủ tục hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án điều chỉnh giấy phép nâng công suất khai thác khoáng sản. Cục Thuế tỉnh, chi cục thuế các huyện có dự án điều chỉnh nâng công suất chuẩn bị các tài liệu, số liệu xác nhận việc thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí cho đơn vị.
Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thẩm định, thẩm tra dự án đầu tư theo quy định. Sở Công thương khẩn trương phối hợp với các ngành thực hiện việc cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. UBND các huyện, Thành phố khẩn trương rà soát, phối hợp với chủ đầu tư khẩn trương đánh giá nhu cầu sử dụng đất của dự án với chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung dự án vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 để chủ đầu tư có cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo…
Tác giả: CTV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn