Cử tri là những người trong cuộc
Ngày 6/11/2023, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Bảo Lâm có buổi TXCT chuyên đề với toàn bộ các phòng, ban chuyên môn của huyện Bảo Lâm về triển khai và thực hiện 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia. Theo đồng chí Công Văn Hưu, Tổ trưởng Tổ đại biểu cho biết việc tổ chức TXCT chuyên đề với mục đích để lắng nghe ý kiến của cử tri là những người đang trực tiếp tham mưu cho UBND huyện về thực hiện và triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (XDNTM); Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững
Điều chúng tôi ghi nhận là, các cử tri "trong cuộc này" đã đi sâu vào phân tích những bất cập khó khăn trong công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia PTKT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Tiểu dự án 1 - Dự án 3: do năm 2022 giao vốn muộn nên công tác lập hồ sơ thiết kế, thẩm định xong đã hết năm nên không giải ngân được phải chuyển nguồn sang năm 2023 để thực hiên. Tuy nhiên, kế hoạch vốn đầu năm vốn 2023 giao vượt quá diện tích đất rừng thực tế huyện có để thực hiện khoán bảo vệ rừng, do đó phải rà soát điều chỉnh dẫn đến chậm triển khai thực hiện.
Dự án 5: Vốn sự nghiệp, hiện nay đang vướng mắc thực hiện Tiểu dự 3: Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do trùng nội dung thực hiện với của Tiểu dự án 1 - Dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững: do huyện chỉ có 01 giáo viên giảng dạy nên khó khăn trong việc mở lớp dạy nghề. Trung tâm GDNN-GDTX huyện không phải là đối tượng thụ hưởng kinh phí của 03 chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025. Do vậy, Trung tâm GDNN-GDTX sẽ không thực hiện giải ngân được kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị.
Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Do Hội LHPN tỉnh Cao Bằng về việc tạm thời chưa triển khai Mô hình Tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản và chưa cho thực hiện gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Nên kinh phí Dự án 8 không thể giải ngân hết theo dự toán ban đầu.
Tiểu dự án 1 Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn do đang tạm dừng thực hiện theo Công văn số 1017/UBDT-DTTS của Uỷ Ban Dân tộc, trong đó yêu cầu địa phương trước mắt tạm dừng triển khai nội dung hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn đối với hộ dân tộc còn nhiều khó khăn thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi xuất ưu đãi. Chính vì vậy đối tượng thực hiện Dự án chỉ có 4 xóm có dân tộc khó khăn đặc thù với tổng số hộ là 240 hộ, nên không thể thực hiện hết vốn giao.
Nguyên vật liệu tại địa phương như cát, đá khan hiếm, giao thông đi lại khó khăn, phức tạp làm chậm tiến độ của các công trình và công tác giải ngân vốn từ nguồn ngân sách trung ương của các dự án không đạt, kết quả giải ngân thấp không đạt theo yêu cầu dự kiến. Do Chương trình mới ban hành lần đầu tiên (có tích hợp nhiều chính sách đã triển khai các giai đoạn trước), chính sách, dự án, hướng dẫn và thực hiện theo cơ chế mới, khả năng nghiên cứu, tiếp thu của cán bộ, công chức, đặc biệt là cấp xã còn nhiều lúng túng, chưa kịp thời. Công tác rà soát các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới tại các xã chưa đáp ứng được các yêu cầu theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do nhiều văn bản hướng dẫn mới, cán bộ công chức phụ trách Chương trình chưa được tập huấn, hướng dẫn rà soát.
Người dân trên địa bàn các xã nông thôn tại huyện Bảo Lâm chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận của xã còn cao (tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn năm 2022: 78,97%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo 50,29%, tỷ lệ hộ cận nghèo 28,69%). Nguồn vốn NSNN hỗ trợ và các nguồn lực huy động khác chưa đáp ứng được so với nhu cầu vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (điện, đường, nhà văn hóa xóm, xã, trường học…) và một số công trình khác.
Việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được các yêu cầu của bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vì có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí các xã khó đạt được như: Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tập trung; truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực; tỷ lệ người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử; tỷ lệ nghèo đa chiều, thu nhập…
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Dự án 1: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 Luật Lâm nghiệp “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”, vì vậy việc trình xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng mất một khoảng thời gian dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Các công trình vướng mắc đều là những công trình quan trọng mang tính cấp thiết, liên kết vùng (Liên kết xã, liên kết huyện bạn, tỉnh bạn) phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch của địa phương nhưng vướng mắc về thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng hiện chưa triển khai được.
Dự án 5: Nhiều hộ gia đình chủ động triển khai xây dựng, sửa chữa nhà ở ngay sau khi Đề án được phê duyệt và đã hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên nguồn vốn hỗ trợ nhà ở năm 2022 không được bố trí cho địa phương do đó các hộ gia đình trên chưa được hỗ trợ. Đến cuối năm 2022, khi tiến hành rà soát hộ nghèo, cận nghèo định kỳ thì một số hộ gia đình đã thoát nghèo do đó không còn thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình nên không được hỗ trợ từ nguồn vốn năm 2023. Việc đã xây dựng xong, được nghiệm thu nhà ở nhưng không còn được hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của Đề án.
Ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, giải trình làm rõ thêm những khó khăn vướng mắc của huyện: nguồn lực thực hiện các CTMTQG còn hạn chế, trong khi đó nhu cầu đầu tư các dự án trên địa bàn rất lớn, do Bảo Lâm là một huyện nghèo của tỉnh, hệ thống hạ tầng cơ sở còn nhiều thấp kém so với các huyện trong tỉnh, địa hình phức tạp, chia cắt mạnh dẫn đến suất đầu tư lớn. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG, huyện lồng ghép các hợp phần, nguồn vốn dự án để tránh chồng chéo nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đối với những công trình phục vụ phát triển sản xuất và các hợp phần tạo sinh kế cho người dân.
Hầu hết cử tri các phòng chuyên môn đều thống nhất có ý kiến, đề nghị UBND tỉnh cho phép CTMTQG những nguồn kinh phí không thực hiện được thì cho chuyển nguồn sang năm sau, đồng thời cấp đủ số kinh phí còn thiếu cho huyện. Đề nghị cho chuyển nguồn sang thực hiện Dự án 4 (dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người như: đồng bào dân tộc Lô Lô).
Kiến nghị để có giải pháp thực hiện có hiệu quả 03 TMTQG
Cuộc tiếp xúc này không đơn thuần là lắng nghe mà trở thành cuộc đối thoại, trao đổi hai chiều giữa đại biểu HĐND tỉnh và các phòng, ban chuyên môn đang trực tiếp triển khai và thực hiện 03 CTMTQG. Nhiều vấn đề bất cập trong 03 Chương trình này được cử tri đặt vấn đề, thảo luận sôi nổi và đi đến thống nhất những nội dung kiến nghị với Tổ đại biểu. Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc, bất cập đó, Tổ đại biểu HĐND tỉnh ghi nhận và tổng hợp kiến nghị với HĐND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo và có giải pháp giải quyết những tồn tại, khó khăn vướng mắc hiện nay cho các đơn vị, để 03 CTMTQG đạt được hiệu quả tốt nhất