Trong những năm qua, huyện Nguyên Bình đã thực hiện tốt việc lồng ghép, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn, giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt của nhân dân. Từ đó, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, nước đạt quy chuẩn, góp phần giải quyết vấn đề khó khăn về nước sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân.
Theo báo cáo, tổng số công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn huyện là 26 công trình, bao gồm: Năm 2018: Đầu tư xây dựng 03 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư bằng nguồn vốn nông thôn mới; Năm 2019: Đầu tư xây dựng 02 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, trong đó: Nguồn vốn ngân sách Trung ương: 01 công trình. Nguồn vốn ngân sách địa phương: 01 công trình. Năm 2020: Trên địa bàn huyện không có công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư; Năm 2021: Đầu tư xây dựng 01 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương (huyện); Năm 2022: Đầu tư xây dựng 15 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, trong đó: Nguồn vốn giảm nghèo bền vững là: 07 công trình. Nguồn vốn dân tộc thiểu số và miền núi là: 06 công trình. Nguồn vốn nông thôn mới: 01 công trình. Nguồn vốn ngân sách địa phương: 01 công trình; Năm 2023: Đầu tư xây dựng 05 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, trong đó: Nguồn vốn dân tộc thiểu số và miền núi là: 04 công trình. Nguồn vốn nông thôn mới: 01 công trình.
Tại buổi làm việc, Đoàn đã khảo sát thực tế tại các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung tại xã Minh Tâm, Hoa Thám, Vũ Minh. Đoàn khảo sát đã nắm tình hình tình hình đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước sạch trên địa bàn các xã; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, vận hành và đầu tư, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Bên cạnh ghi nhận hiệu quả của một số công trình cấp nước sạch đối với địa phương, còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình thường xuyên; công tác kiểm tra, giám sát tại một số nơi chưa được quan tâm; tổ cộng đồng quản lý, vận hành, khai thác công trình hoạt động chưa hiệu quả…Dẫn tới nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp, công trình không hoạt động được gây lãng phí.
Đoàn khảo sát đã ghi nhận, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị và những giải pháp khắc phục trong thực tiễn thực hiện cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn huyện. Đồng thời giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân tỉnh tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất. Theo kế hoạch, Đoàn tiếp tục thực hiện khảo sát tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan./.