Theo báo cáo của UBND huyện Hà Quảng cho thấy, huyện Hà Quảng đã tổ chức sắp xếp, sáp nhập 18 ĐVHC cấp xã để thành lập 09 ĐVHC cấp xã mới, giảm số ĐVHC cấp xã trên toàn huyện từ 30 xã, thị trấn xuống còn 21 xã, thị trấn; sắp xếp, sáp nhập 304 xóm, tổ dân phố để thành lập 133 xóm, tổ dân phố mới, giảm 171 xóm, tổ dân phố còn 195/366 xóm, tổ dân phố so với khi chưa sáp nhập.
Việc bố trí, sắp xếp số lượng, chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở xã trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo đúng quy định cụ thể: đối với xóm, tổ dân phố về cơ bản thực hiện bố trí tối đa 03 chức danh (hiện có 27 xóm, tổ dân phố thực hiện nhất thể hóa Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm, Tổ trưởng Tổ dân phố). Đã giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ cho 2.739 người, với tổng kinh phí 9.483.691.000 đồng theo Nghị quyết số 48/2019/NQ-HĐND. Giải quyết 05 trường hợp là cán bộ ở các xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 360.968.643 đồng theo quy định tại Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020. Hỗ trợ 70 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện với tổng kinh phí chi trả 315.000.000 đồng theo Nghị quyết số 64/2020/NQ-HĐND
Tuy nhiên, sau sáp nhập huyện Hà Quảng còn có những khó khăn, vướng mắc: Đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập nhiều (136 người) và chưa có phương án giải quyết phù hợp; trụ sở làm việc ở một số đơn vị xã quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, một số trụ sở xã cũ bỏ không, gây lãng phí; quy mô các xã, xóm sau sáp nhập được mở rộng, xong do địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nhiều cụm dâm cứ tách biệt, có lối sống và phong tục tập quán không đồng nhất làm ảnh hưởng đến việc quản lý của chính quyền cơ sở, cũng như gây khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, nhu cầu y tế và giáo dục của nhân dân địa phương; việc mở rộng quy mô dân số và diện tích, trong khi mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở xóm thấp dẫn đến việc lựa chọn, bố trí nhân sự tham gia các chức danh ở xóm vô cùng khó khăn.
Huyện Hà Quảng kiến nghị: Đề nghị tỉnh xem xét có giải pháp bố trí số cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp sáp nhập theo hướng điều hòa cán bộ, công chức giữa các huyện sáp nhập và huyện không sáp nhập hoặc điều động cán bộ, công chức lên cấp trên; kéo dài thời gian tinh giản biên chế đến hết năm 2030; quan tâm phân bổ nguồn lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp, tu sửa các hạng mục công trình giao thông, trụ sở làm việc, nhà văn hóa xóm của các đơn vị thực hiện sáp nhập; xem xét nâng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, xóm và những người trực tiếp tham gia công việc ở xóm, tổ dân phố…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Văn Thạch - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được, chia sẻ những khó khăn của huyện Hà Quảng trong thời gian qua, đồng thời đề nghị UBND huyện rà soát, bổ sung, làm rõ các ý kiến kiến nghị gửi Đoàn khảo sát tổng hợp, làm căn cứ báo cáo Thường trực HĐND tỉnh và kiến nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh./.