Theo báo cáo đánh giá của Sở nội vụ, trước khi thực hiện sáp nhập, tỉnh Cao Bằng có 13 ĐVHC cấp huyện (gồm 12 huyện và 01 thành phố); 199 xã, phường, thị trấn và 2.487 xóm, tổ dân phố. Sau sắp xếp, sáp nhập, toàn tỉnh có 10 ĐVHC cấp huyện (09 huyện và 01 thành phố), 161 ĐVHC cấp xã và 1.462 xóm, tổ dân phố; giảm 03 ĐVHC huyện, 38 ĐVHC cấp xã và 1.025 xóm, tổ dân phố. Giảm chi ngân sách do thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 trên 85 tỷ đồng. Công tác bố trí, sắp xếp và chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, xóm, tổ dân phố và những người trực tiếp tham gia công việc ở xóm, tổ dân phố sau thực hiện sắp xếp, sáp nhập theo Nghị quyết 30/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 cơ bản đảm bảo theo quy định.
Các huyện, thành phố thực hiện chi trả hỗ trợ chính sách đối với 17.241 người hoạt động không chuyên trách với tổng kinh phí trên 56,6 tỷ đồng theo Nghị quyết số 48/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019; Sở Nội vụ đã tiếp nhận 175 hồ sơ do UBND các huyện, thành phố gửi đến xem xét, thẩm định để giải quyết chế độ theo Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020; thực hiện chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết số 61/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 cho 211 cán bộ, công chức (Hà Quảng: 74 người; Trùng Khánh: 137 người) với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng, các đơn vị huyện còn lại đang tiến hành triển khai.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số hạn chế, khó khăn như: Số lượng cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã dôi dư lớn (cấp huyện dôi dư 74 người, cấp xã 474 người) nên gặp khó khăn trong công tác bố trí, sắp xếp; việc quản lý, sử dụng tài sản công (Trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc các cơ quan…) tại các huyện, xã sau sắp xếp còn nhiều bất cập, nhất là các công trình mới được đầu tư xây dựng, nâng cấp; nhiều cá nhân công tác ở xóm, tổ dân phố từ rất lâu nhưng không có giấy tờ chứng minh, khoảng thời gian kê khai và xác nhận lại không đảm bảo tính chính xác nên khó khăn trong việc tổng hợp, xem xét chi trả chế độ chính sách theo quy định…
Sở Nội vụ kiến nghị: Đề nghị tỉnh cho chủ trương thực hiện việc bầu giữ các chức vụ cán bộ cấp xã phải lấy từ nguồn cán bộ, công chức cấp xã hiện có. HĐND tỉnh xem xét tăng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, xóm, tổ dân phố và người trực tiếp tham gia công việc của xóm, tổ dân phố; ban hành nghị quyết quy định chính sách đối với phó trưởng công an xã, thị trấn dôi dư do thực hiện công an xã chính quy trên địa bàn tỉnh. Kéo dài lộ trình sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư đến năm 2030.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Thạch đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác sắp xếp, sáp nhập ĐVHC, đặc biệt là công tác tham mưu của Sở Nội vụ trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC trên địa bàn. Đồng chí đề nghị các sở, ngành chuyên môn chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương trong giải quyết khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt việc điều hòa giữa các địa phương, đơn vị trong thực hiện sắp xếp cán bộ dôi dư; nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh cân đối ngân sách để nâng mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã, xóm, tổ dân phố nhằm khuyến khích, động việc cán bộ cơ sở tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Đoàn khảo sát tiếp thu và tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của cơ quan chuyên môn, tổng báo cáo và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.