Qua báo cáo giám sát cho thấy, BHXH tỉnh Cao Bằng có nhiệm vụ ký, thực hiện hợp đồng KCB bảo hiểm y tế (BHYT) với các cơ sở KCB BHYT có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành; bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT và chống lạm dụng, trục lợi chế độ BHYT trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, cơ quan BHXH tỉnh ký và tổ chức thực hiện hợp đồng KCB BHYT đối với 22 cơ sở KCB, việc KCB BHYT được triển khai đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn được ký hợp đồng KCB BHYT thông qua Trung tâm Y tế huyện.
Việc cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT được BHXH tỉnh thực hiện chủ động, chặt chẽ, kịp thời, hiện nay, thẻ BHYT không ghi thời hạn sử dụng (đến ngày…) như trước đây mà chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày…, không cần phải đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây. Sang năm tiếp theo nếu tiếp tục tham gia, cơ quan BHXH sẽ cấp nối tiếp giá trị sử dụng thẻ trong dữ liệu và in danh sách cấp thẻ gửi đơn vị quản lý đối tượng theo giá trị sử dụng mới của thẻ BHYT; thẻ đã cấp trước đó cho người tham gia vẫn tiếp tục được sử dụng mà không in, đổi thẻ mới, do vậy đã hạn chế tình trạng người bệnh phải chờ đổi thẻ BHYT để đi KCB. Thời gian cấp thẻ BHYT từ 10 ngày được rút xuống còn 05 ngày; trường hợp thay đổi thông tin: giảm từ 07 ngày xuống còn không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; trường hợp người tham gia đang điều trị tại các cơ sở KCB, thực hiện cấp, đổi trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Hiện nay, BHXH triển khai dịch vụ công (DVC) “Cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng không thay đổi thông tin”; “Gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình” trên cổng DVC Quốc gia để phục vụ nhu cầu cấp lại và gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình theo hình thức giao dịch trực tuyến, thực hiện dịch vụ “Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình tích hợp giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC”, theo đó, việc giảm trừ mức đóng sẽ được thực hiện tự động khi người dân có đề nghị gia hạn trên Cổng DVC Quốc gia và DVC BHXH Việt Nam. Sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc thẻ BHYT được tích hợp trên ứng dụng VneID được đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thay thế thẻ BHYT giấy để đi KCB BHYT. Do đó, đã giảm từ 02 loại giấy tờ người dân phải xuất trình khi đi KCB BHYT xuống còn 01 loại giấy tờ. Tính đến 31/12/2023, toàn tỉnh đã có trên 510.361 nghìn thẻ BHYT được đồng bộ với cơ sở dữ liệu căn cước công dân, với 296.518 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ KCB BHYT, đạt 74% trên tổng số lượt tra cứu. Công tác quản lý, sử dụng chi phí KCB BHYT bảo đảm tính khách quan, minh bạch giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB trong 3 năm (2021 -2023) Số người tham gia BHYT đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ bao phủ BHYT bình quân đạt từ 95% – 99 % dân số.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân tộc thiểu số sinh sống ở các địa bàn mới được công nhận là vùng I (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg) vẫn còn rất nhiều khó khăn, cộng thêm tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ hoàn toàn của Nhà nước như trước đây nên chưa đăng ký tham gia BHYT, một số người dân chưa nhận thức đúng, đầy đủ về chính sách BHYT; còn chủ quan trong việc bảo vệ sức khỏe cho cá nhân mình, gia đình mình, chỉ khi ốm đau, bệnh tật mới đi mua thẻ BHYT. Tình trạng bệnh nhân phải tự túc các thuốc và vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng BHYT tại một số cơ sở KCB phần nào gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT và ảnh hướng tới việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình. Hiện nay các quy định về việc phân hạng cơ sở KCB chưa được đồng nhất, rõ ràng... cơ cở pháp lý để thẩm định điều kiện xếp hạng bệnh viện phục vụ cho công tác thanh toán chi phí KCB theo định mức cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa cụ thể, do vậy gây khó khăn trong việc thẩm định thanh toán thực tế cũng như thẩm định để ký bổ sung hợp đồng KCB về việc mở rộng phạm vi chuyên môn. Chính sách thông tuyến bên cạnh các tác động tích cực thì xuất hiện tình trạng bất cập đó là làm giảm hẳn số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tại các Trạm Y tế (đặc biệt là các Trạm Y tế gần các cơ sở KCB tuyến huyện như Trạm Y tế thị trấn, Trạm Y tế phường), điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước là hướng về y tế cơ sở mà còn làm gia tăng chi phí KCB, đồng thời gây quá tải tại nhiều cơ sở KCB tuyến trên. Một số đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa không nắm được thủ tục KCB nên không tuân thủ KCB theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, do đó gặp khó khăn khi đi KCB trái tuyến…
BHXH tỉnh kiến nghị: Sở Y tế tăng cường công tác thanh tra các cơ sở KCB trong việc tổ chức KCB BHYT, đảm bảo sử dụng quỹ KCB BHYT đúng quy định; Sở Y tế có giải pháp để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở đặc biệt là tại các Trạm Y tế xã nhằm thu hút người bệnh có thẻ BHYT KCB tại tuyến đăng ký ban đầu nhằm giảm áp lực đối với cơ sở y tế tuyến trên, thể hiện tính ưu việt của chính sách thông tuyến.
Sau khi nghe báo cáo của BHXH tỉnh và các ý kiến của các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, đồng chí Nông Hải Lưu, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả trong thực hiện chính sách KCB BHYT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Để công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT thực sự hiệu quả, đồng chí đề nghị BHXH tỉnh phải tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT, đặc biệt là công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trên cơ sở đánh giá khách quan thực trạng, đề xuất giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT ở mỗi ngành, đơn vị.Về kiến nghị, đề xuất của BHXH tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh sẽ tổng hợp trình HĐND tỉnh