Sở Y tế quản lý 19 đơn vị bao gồm tuyến tỉnh có 03 Trung tâm: Kiểm soát bệnh tật; Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; Pháp y; 02 Bệnh viện tuyến tỉnh: Bệnh viện đa khoa tỉnh 570 giường bệnh; Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng 150 giường bệnh.
Tuyến huyện, thành phố gồm: 04 Bệnh viện tuyến huyện (370 giường bệnh): Bệnh viện Tĩnh Túc 50 giường bệnh, Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Hoà 105 giường bệnh, Bệnh viện đa khoa huyện Hà Quảng 100 giường bệnh, Bệnh viện đa khoa huyện Trùng Khánh 115 giường bệnh. 10 Trung tâm y tế huyện, thành phố: 785 giường bệnh và quản lý 02 phòng khám đa khoa khu vực (PKĐK khu vực Phja Đén và PKĐK khu vực Bản Ngà). Tuyến xã: 161Trạm y tế xã, phường, thị trấn (doTrung tâm y tế huyện, thành phố quản lý).
Nhân viên y tế thôn bản: Có1.367 y tế thôn, bản/1.462 thôn, bản (93.5%).Với tổng số biên chế công chức, viên chức là 3.231 người, trong đó Số bác sĩ là 787, dược sĩ 155, y sĩ 430, điều dưỡng 866, kỹ thuật y 140, hộ sinh 294, dân số 21, y tế công cộng 43, cán bộ khác là 140.
3 năm qua (2021 -2023), các đơn vị trực thuộc đã đầu tư, mua sắm một số TTBYT và đều được đưa vào sử dụng đúng mục đích từ tuyến tỉnh đến tuyến xã với tổng mức đầu tư trên 25,2 tỷ đồng. Sở Y tế hướng dẫn việc mua sắm, chỉ đạo điều tiết số lượng thuốc trúng thầu được phân bổ cho các cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu thuốc trong hoạt động KCB tại địa phương, đơn vị. Các cơ sở y tế tuân thủ các quy định về tổ chức, thực hiện đấu thầu mua sắm vật tư, TTBYT; với tổng số trên 1.959.000 lượt người đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, trong đó, có trên 259,7 nghìn lượt điều trị nội trú; 22.667 lần phẫu thuật; trên 1 triệu 941,6 nghìn lượt KCB BHYT, tổng kinh phí đề nghị chi trả trên 1.012 tỷ đồng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho nhân viên y tế được quan tâm, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý của nhân viên y tế.
Tuy nhiên, công tác đầu tư, quản lý, sử dụng TTBYT và hoạt động KCB còn một số tồn tại; chất lượng KCB chưa đồng đều giữa các tuyến; TTBYT còn thiếu so với danh mục quy định và phân tuyến kỹ thuật; TTBYT hiện đại, kỹ thuật cao số lượng ít, thường xuyên hoạt động quá tải trong khi nhiều TTBYT đầu tư, sử dụng đã lâu chất lượng kém, lạc hậu, chậm được đầu tư thay thế; việc đấu thầu thuốc, TTBYT tại các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn do thiếu chuyên môn về hoạt động đấu thầu và vướng mắc trong thủ tục hành chính, dẫn đến tình trạng thiếu một số thuốc thiết yếu phục vụ công tác KCB; việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư, mua sắm TTBYT tại các bệnh viện hạng II, hạng III còn hạn chế; các đơn vị tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên và do ngân sách Nhà nước cấp toàn bộ chi thường xuyên có nguồn thu thấp, không đảm bảo để tái đầu tư nâng cấp, mua sắm, sửa chữa cơ sở hạ tầng; khó thu hút bác sĩ có chuyên môn, nghiệp vụ cao về công tác lâu dài với ngành...
Tại cuộc giám sát, các thành viên Đoàn giám sát trao đổi, chỉ ra những vấn đề bất cập trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, TTBYT tại các cơ sở y tế công lập, đề nghị Sở Y tế, cơ quan BHXH tỉnh giải trình làm rõ. Qua đó, đánh giá rõ nét, thực chất hơn về thực trạng đầu tư, quản lý, sử dụng TTBYT và hoạt động KCB cũng như đưa ra các kiến nghị, đề xuất những định hướng, giải pháp, tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện các văn bản pháp lý hướng dẫn công tác đấu thầu mua sắm, quản lý TTBYT; đào tạo, bồi dưỡng và bố trí nhân lực thực hiện vận hành, sử dụng các TTBYT, đặc biệt các thiết bị kỹ thuật cao, hiện đại, đáp ứng nhu cầu KCB trong tình hình mới; tháo gỡ vướng mắc trong thanh lý tài sản, TTBYT; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ y tế thôn bản, bảo đảm có đủ các điều kiện theo quy định hiện hành; hoàn thiện các chính sách đầu tư, tăng cường nguồn nhân lực cho y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nâng cao năng lực, chất lượng y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã, nhằm giảm tải cho y tế tuyến trên; kết quả thí điểm tổ chức các điểm trạm y tế tại các địa bàn sau sáp nhập; bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT theo quy định; thiếu nhân lực thực hiện công tác giám định BHYT; việc thu hút, tuyển dụng đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao; vấn đề hỗ trợ thanh toán kinh phí mua thẻ BHYT cho người dân tộc Kinh sinh sống tại địa bàn khó khăn của tỉnh; vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 05/2023 ngày 15/2/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2011 ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức tại các cơ sở y tế công lập....
Phát biểu tại cuộc giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nhật Lệ đánh giá: Sở Y tế tích cực, chủ động trong việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực y tế; góp phần cùng toàn ngành hoàn thành đạt kế hoạch theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổ chức đoàn giám sát, nhằm xem xét, đánh giá toàn diện về thực trạng việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong thực hiện đầu tư, mua sắm và tình hình quản lý, sử dụng TTBYT, hoạt động KCB tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 - 2023; những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, làm rõ làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trên cơ sở đó, với chức năng của HĐND là sẽ tổng hợp, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền những giải pháp để thực hiện có hiệu quả, thiết thực trong công tác đầu tư, quản lý, sử dụng TTBYT và hoạt động KCB trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Kết luận buổi giám sát, Trường Ban Văn hóa – Xã hội Nông Hải Lưu đề nghị sở Y tế ban hành văn bản hướng dẫn việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế được quy định tại Nghị định số 36 ngày 15-5-2016, Nghị định số 169 ngày 31-12-2018 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế rà soát tổng thể các trang thiết bị y tế hiện có để có kế hoạch sử dụng, đầu tư mua sắm phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và các đơn vị; sắp xếp đầu tư theo thứ tự ưu tiên và tính cấp bách của thiết bị y tế với yêu cầu khám, chữa bệnh; có phương án điều chuyển những trang thiết bị y tế ở đơn vị chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả về các cơ sở y tế có nhu cầu. Thực hiện thanh lý đối với những tài sản trang thiết bị quá hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng trong khám chữa bệnh theo quy định. Quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho các đơn vị thông qua việc liên kết với các cơ sở đào tạo, các đơn vị cung ứng, lắp đặt trang thiết bị. Thực hiện luân chuyển, điều động đội ngũ y, bác sĩ, nhất là tuyến xã để cân đối nguồn nhân lực và đảm bảo sử dụng hiệu quả các trang thiết bị y tế được đầu tư. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra trong đầu tư mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, đặc biệt là các trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao. Ngành Y tế cần quan tâm, chăm lo đời sống cho cán bộ, viên chức, người lao động, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế cả về số lượng và chất lượng, nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới; chủ động nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với lĩnh vực y tế và cơ chế thu hút, duy trì và tăng cường nguồn nhân lực y tế, nhất là bác sĩ giỏi, có tay nghề về làm việc trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các đơn vị; góp phần từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân./.