Qua giám sát cho thấy, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện được quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến cơ sở, sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân và đạt nhiều kết quả nổi bật trong đó:
Thực hiện chương trình khuyến nông đã tổ chức thực hiện 83 lớp tập huấn với 2.348 người tham gia; triển khai thực hiện 07 mô hình về lĩnh vực trồng trọt (Mô hình trồng thử nghiệm giống lúa Syn 98 của cty Sygenta tại 2 xã Hồng Trị Và Hưng Đạo; Mô hình trồng thử nghiệm giống ngô đột biến den có khả năng chống chịu sâu bệnh NK6275 tại xã Khánh Xuân; Mô hình trồng thử nghiệm giống lúa LP 1601 của công ty LONGPING tại xã Hồng Trị; Mô hình trồng cây keo lai mô tại xã Sơn Lộ; Mô hình trồng cỏ Pakchong tại xã Hồng An; Mô hình trồng thử nghiệm giống ngô biến đổi gen PAC 139 và PAC 339 tại xã Xuân Trường) bằng nguồn kinh phí của trung tâm học tập cộng đồng, các cơ quan, đơn vị và các công ty cung ứng giống, vật tư…theo Nghị quyết số 47/2020/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2020 của HĐND tỉnh Cao Bằng ban hành quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông địa phương từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;
Hỗ trợ xây dựng mới chuồng trại chăn nuôi gia súc cho 166 hộ dân với tổng kinh phí hỗ trợ 1.089 triệu đồng; hỗ trợ nuôi trồng thủy sản (giống cá Lăng) cho 10 hộ dân với tổng số tiền 90 triệu đồng. hỗ trợ 03 mô hình chăn nuôi với tổng số tiền 479,4 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở cho 494 hộ với tổng số tiền 2.735 triệu đồng; hỗ trợ giống bò cái sinh sản cho 1.639 hộ với tổng kinh phí 17.560 triệu đồng; hỗ trợ giống gà thương phẩm cho 11 hộ với tổng kinh phí 117,24 triệu đồng; hỗ trợ giống lợn cái sinh sản, lợn thương phẩm cho 96 hộ với tổng kinh phí 689,32 triệu đồng theo Nghị quyết số 48/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Cao Bằng và nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2023.
Thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025, theo đó đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện có 17 hợp tác xã nông nghiệp trong đó có 16 hợp tác xã đang hoạt động, 01 hợp tác xã ngừng hoạt động, tổng số thành viên hợp tác xã 118 người; các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, thu mua nông sản, hoạt động dịch vụ sau thu hoạch, buôn bán phân bón, dịch vụ du lịch...
Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận với các chính sách của Nghị quyết số 58/2016/NQ-HĐND ngày 05/8/2016 về chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghị quyết số 48/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 về chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghị quyết số 20/2019/NQ/HĐND ngày 12/7/2019 về chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghị quyết số 28/2018/NQ- HĐND, ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng...
Thực hiện Chương trình phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng miền để sản xuất theo chuỗi giá trị (tiểu dự án 1, dự án 3, CTMTQG phát triển vùng đồng bào DTTS&MN), huyện thực hiện 15 dự án, với tổng kinh phí trên 15.568 triệu đồng; hỗ trợ khoán bảo vệ 34.845,88 ha rừng; trong đó, diện tích hỗ trợ khoán bảo vệ rừng trên 6.840 ha, diện tích hỗ trợ bảo vệ rừng trên 28.005 ha.
Đối với Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2021 - 2023, huyện trồng rừng gỗ lớn được 347,9 ha/60ha; chăm sóc và mở rộng diện tích cây trúc sào được 320,13/300 ha. Tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng chỉ đạo nhân dân ở các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển diện tích trồng cây hồi với 967,15/150 ha.
Tại buổi giám sát, các thành viên đề nghị huyện bổ sung, làm rõ mức thu nhập của người dân được thụ hưởng từ các dự án; việc ứng dụng khoa học công nghệ, các giải pháp, khó khăn, vướng mắc thực hiện các chương trình, dự án; hướng dẫn người dân chọn giống cây trồng, sản phẩm cho các đề tài khoa học…
Huyện Bảo Lạc kiến nghị: Tỉnh có chính sách phù hợp đối với việc khoanh nuôi bảo vệ rừng; HĐND tỉnh có ý kiến với các sở, ngành tiếp tục chuyển đổi diện tích rừng ít xung yếu sang diện tích rừng tự nhiên; có giải pháp thực hiện tiểu dự án 1 - dự án 3 trong CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; kết nối với các doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho việc thu mua dầu hồi; có cơ chế chính sách cho việc sử dụng cây, con giống địa phương...
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh La Văn Hồng ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua của huyện, đồng thời, đề nghị huyện tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung của thành viên đoàn giám sát; tiếp tục triển khai các cơ chế chính sách thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp sát với tình hình địa phương, không để tình trạng kéo dài các chương trình, dự án...
Trước đó, đoàn giám sát thực tế các dự án: Hỗ trợ trồng cây hồi tại xóm Cáp Cán, trồng cây mận máu tại xóm Cao Bắc; chương trình hỗ trợ xây dựng chuồng trại tại xóm Thiêng Lầu, xã Xuân Trường; sản xuất cây dâu tằm tại xóm Bản Phuồng, xã Khánh Xuân; sản xuất cây quế tại xóm Khuổi Chủ; điểm trưng cất tinh dầu hồi của nhóm hộ gia đình tại xóm Nà Quằng, xã Thượng Hà.