Trên cơ sở, triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU về phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị và hạ tầng số) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 59/NQ-HĐND, ngày 29/7/2021 về Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND ban hành các Quyết định, Chương trình, Nghị quyết chỉ đạo triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng); Các dự án phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ; công tác phát triển GTNT được chú trọng triển khai trên khắp địa bàn tỉnh, thực hiện đồng bộ, hiểu quả với các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Công tác quản lý, bảo trì quản lý đường bộ được quan tâm, thực hiện đảm bảo hiệu quả, góp phần giảm thiểu, ngăn chặn sự xuống cấp của hạ tầng giao thông hiện có, góp phần đảm bảo ATGT trên các tuyến, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Qua giám sát cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng chỉ có một loại hình kết nối giao thông duy nhất là đường bộ với tổng chiều dài khoảng 714,36 Km đường Quốc lộ, 1.034,84 Km đường tỉnh, 1.491,1 Km đường huyện và 3.508,9 Km đường xã, thôn xóm; tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường quốc lộ là 100%, địa phương là 72%.
Theo đó, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 20 dự án hạ tầng giao thông quan trọng gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); Thực hiện đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh (tổng số 19 dự án) trong đó: Triển khai thực hiện 18 dự án, cụ thể: 01 Dự án Đường và cầu nối giữa bờ Bắc – bờ Nam thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình đã hoàn thành trong năm 2023, đạt yêu cầu so với Kế hoạch. Có 12 dự án đang triển khai thi công trong đó: có 06 dự án đảm bảo tiến độ theo kế hoạch gồm: (1)Cải tạo, nâng cấp đường Bảo Toàn (huyện Bảo Lạc) - Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm), tỉnh Cao Bằng; (2) Đường giao thông Đồn biên phòng Cốc Pàng (155) ra các mốc từ 520 đến 534; (3) Cầu Bản Đe (Sông Gâm) kết nối Quốc lộ 34 – xã Quảng Lâm, xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm; (4) Đường từ xã Sơn Lập (Bảo Lạc) - xã Yên Thổ (Bảo lâm), tỉnh Cao Bằng; (5) Đường tránh thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa; (6) Đường tránh thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
06 dự án chậm tiến độ so với Kế hoạch gồm: 01 Dự án Đường tránh thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng đang thực hiện công tác GPMB, đang bắt đầu triển khai thi công, chậm tiến độ. 01 dự án Đường từ xã Sơn Lập (Bảo Lạc) - xã Yên Thổ (Bảo Lâm), đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp và nhà thầu giám sát thi công. 01 Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 204 (Thị trấn Thông Nông - xã Cần Yên), huyện Hà Quảng, lý trình Km27-Km45+300 dự án đang thực hiện bước chuẩn bị đầu tư (lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, trình phê phê duyệt ĐTM,..), chậm tiến độ. 02 Dự án gồm Tuyến kết nối thành phố Cao Bằng với cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh và Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 209 chưa triển khai được các bước tiếp theo do vướng mắc các thủ tục về rừng, chưa ký được hiệp định tài trợ…, tiến độ rất chậm. 01 Dự án Cải tạo nâng cấp đường GTNT Bản Phuồng – Lũng Piao, xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc chưa thực hiện do chưa được bố trí vốn, chưa đạt kế hoạch đề ra, đề xuất đưa ra khỏi Kế hoạch 1636/KH-UBND của UBND tỉnh.
Kết quả giải ngân của 20 dự án, kế hoạch vốn đã giao: 4.653,488 tỷ đồng, bằng 24,63% Tổng mức đầu tư (trong đó 100% là vốn NSNN); giải ngân: 1.384,003 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân trên Kế hoạch vốn được giao đạt: 29,74%. Tỷ lệ giải ngân trên Tổng mức đầu tư đạt: 7,33%.
Về kết quả thực hiện Đề án phát triển GTNT từ năm 2021 tháng 6/2024 theo Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 của HĐND tỉnh: Đường huyện đã đầu tư xây dựng (xây dựng mới, cải tạo nâng cấp) được 480,57km/561,3km, đạt 85,62% kế hoạch; Tổng kinh phí đã thực hiện 1.251.358 triệu đồng/1.600.000 triệu đồng, đạt 78,21% kế hoạch. Đường xã đã đầu tư xây dựng (xây dựng mới, cải tạo nâng cấp) được 1.011,57km/606,6km, đạt 166,76% kế hoạch; Tổng kinh phí đã thực hiện 1.878.961triệu đồng/1.500.000 triệu đồng, đạt 125,26% kế hoạch. Đường thôn, xóm, nội đồng đã đầu tư xây dựng (xây dựng mới, cải tạo nâng cấp) được 467,71km/1.002,9km, đạt 46,64% kế hoạch; Tổng kinh phí đã thực hiện 338.183triệu đồng/150.000 triệu đồng, đạt 225,46 % kế hoạch. Cầu dân sinh đã đầu tư xây dựng (xây dựng mới, cải tạo nâng cấp) được 55/50 cầu (1.391,5md/900md), đạt 154,61% kế hoạch; Tổng kinh phí đã thực hiện 94.084triệu đồng/50.000 triệu đồng, đạt 188,16% kế hoạch.
Tuyến đường nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường: 82,5% (đạt 97,2% đạt yêu cầu KH); xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa: 159/161 xã đạt Tỉ lệ 98,8% (đạt 98,8% đạt yêu cầu KH).
Việc bổ sung sân bay Cao Bằng vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 648/QĐ-TTg, ngày 07/6/2023 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, định hướng đến năm 2050 toàn quốc hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế và 19 cảng hàng không quốc nội (trong đó có Cảng hàng không Cao Bằng: Quy mô, cấp sân bay 4C; công suất dự kiến 2,0 triệu hành khách/năm; diện tích đất dự kiến: 350,0 ha; ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch: 5.688 tỉ đồng) (Đạt yêu cầu Kế hoạch).
Về kết quả đối với công tác quản lý, bảo trì đường bộ: toàn tỉnh có khoảng 6.749,25 km đường bộ, (trong đó: có 714,36 Km đường Quốc lộ, 1.034,84 Km đường tỉnh, 1.491,1 Km đường huyện và 3.508,9 Km đường xã) từ 2021 đến nay đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên, trong đó đối với đường tỉnh trung bình đạt 300km/năm, tổng kinh phí thực hiện đạt trên 8 tỷ đồng/năm, trung bình đạt trên 92 % so với kế hoạch vốn được giao. Từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2024 trung bình mỗi năm sửa chữa định kỳ đường tỉnh hoàn thành theo kế hoạch đạt từ 15 đến 17 công trình/năm, tổng kinh phí thực hiện trung bình đạt trên 70 nghìn tỷ đồng/năm, giải ngân trung bình đạt 99,99% so với kế hoạch vốn được giao....công tác bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ được thực hiện thường xuyên, giao thông đảm bảo được thông suốt...
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã có nhiều ý kiến trao đổi xung quanh những hạn chế, tồn tại trong thực hiện Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, như: công tác giải ngân vốn đầu tư công, kết quả thực hiện một số dự án giao thông chậm; một số hạng mục đầu tư của dự án ở các địa phương chưa phù hợp, cần điều chỉnh nguồn vốn; kinh phí bảo dưỡng thường xuyên bố trí còn thấp.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch và đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã tiếp thu các ý kiến của đoàn giám sát, đồng thời, trực tiếp trả lời, giải trình, làm rõ những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở; những dự án thực hiện còn chậm được đoàn giám sát đề cập và đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nhật Lệ đánh giá việc thực hiện Chương trình số 10 của Tỉnh ủy về phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 59 của HĐND tỉnh thông qua Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả nhất định, làm thay đổi diện mạo giao thông nông thôn ở các địa phương, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục bám sát các mục tiêu của chương trình, nghị quyết để tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành. Hiện nay còn 124/1.230 công trình giao thông chưa triển khai thực hiện đề nghị UBND tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Đề nghị tăng cường rà soát, thống kê các công trình, dự án vướng đất rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tránh vướng mắc trong quá trình thi công. Đối với những danh mục chưa có vốn, đề nghị xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công thời gian tới. Các dự án chưa triển khai ở các địa phương cần tập trung chỉ đạo phối hợp với các sở, ngành và các huyện rà soát lại các vướng mắc, khó khăn để đề xuất phương án giải quyết; tiếp tục rà soát, bố trí bổ sung nguồn vốn cho các dự án còn thiếu vốn thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, từ đó phát hiện những khó khăn ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ trong quá trình thực hiện. Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp thu ý kiến phát biểu của thành viên dự họp, bổ sung, hoàn thiện báo cáo gửi lại đoàn giám sát trước ngày 25/8/2024 để tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND tỉnh.