Hội nghị nhằm quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân tiến hành giám sát, theo dõi, đánh giá.
Qua đó, tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tại kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua 9 luật, 11 nghị quyết, trong đó, quy định những nội dung quan trọng về căn cước; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; tài nguyên nước; viễn thông; các tổ chức tín dụng; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách Nhà nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn…
Hội nghị nghe một số báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị giám sát và một số nội dung thuộc trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các luật, nghị quyết.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện các nội dung quy định trong luật, nghị quyết theo thẩm quyền, chủ động rà soát các yêu cầu, nhiệm vụ luật, nghị quyết của Quốc hội giao để đôn đốc, giám sát các cơ quan thực hiện. Đề nghị Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, Thành phố kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, nhất là các chính sách, quy định mới bảo đảm tính khả thi, nhất quán, đồng bộ với các văn bản có liên quan, tránh để chồng chéo, phát sinh, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện.
Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước, thực hiện phân cấp, phân quyền đúng quy định; quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân, doanh nghiệp hiểu đúng và đầy đủ các quy định; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, phù hợp với đặc điểm, đối tượng địa bàn. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường kiểm soát để không làm phát sinh quy trình, thủ tục "giấy phép con" trái quy định.Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật…
Đối với chính quyền, địa phương các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội. Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các hiệp hội liên quan chủ động rà soát, chuẩn bị và tổ chức triển khai các nội dung liên quan trong luật, nghị quyết của Quốc hội hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống.
Tác giả: P.O (BCB)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn