Tỉnh Cao Bằng hiện nay có một loại hình giao thông vận tải duy nhất là giao thông đường bộ, hiện có khoảng 6.763 km đường bộ, trong đó quốc lộ qua địa bàn tỉnh gồm 06 tuyến (Quốc lộ 3, 4A, 34, 34B, 4C và đường Hồ Chí Minh) với tổng chiều dài 714,4 km, đạt cấp IV - VI miền núi; mặt đường nhựa, bê tông nhựa hoặc láng nhựa. Đường tỉnh có 29 tuyến với tổng chiều dài 1.046,7 km, chủ yếu đạt cấp V và cấp VI miền núi, có khoảng 82% mặt đường nhựa, bê tông nhựa, còn lại là cấp phối. Đường huyện, đường xã, liên xã, đường đô thị đã được cứng hóa (nhựa hóa/bê tông hóa) đạt 73%. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tiếp tục gia tăng qua các năm. Tính đến hết năm 2023, tổng số phương tiện cả tỉnh quản lý 19.126 xe ô tô và 332.353 xe mô tô, xe máy (tăng 283% xe ô tô, tăng 203% xe mô tô so với thời điểm 01/7/2009).
Trong những năm qua Sở Giao thông vận tải đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; phê duyệt các quy hoạch; ban hành các chương trình, kế hoạch; các văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực công tác liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Lực lượng Thanh tra Sở đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật góp phần từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, trong đó quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật các tuyến đường còn ở mức thấp. Điều kiện giao thông ở vùng sâu, biên giới, địa bàn khó khăn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh. Quy mô, năng lực khai thác hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh chưa theo kịp tốc độ gia tăng các phương tiện và yêu cầu vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh. Tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tai nạn giao thông tuy đã được kiềm chế nhưng ở mức thấp, chưa bền vững; việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, còn mang tính đối phó.
Tại buổi làm việc các đại biểu tập trung giám sát, trao đổi những tồn tại hạn chế trong việc thực hiện chính sách pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phân tích làm rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế đó, từ đó đề xuất những giải pháp, đặc biệt là giải pháp về cơ chế, chính sách pháp luật sẽ quy định tại dự thảo Luật Đường bộ và Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra vào giữa năm 2024.
Đoàn Giám sát đề nghị Sở Giao thông vận tải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong nhân dân, trong đó tăng cường tuyên truyền, phổ biến trực quan bằng hình ảnh. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các nhành chức năng rà soát các tuyến đường giao thông kiến nghị phương án giải quyết để đảm bảo an toàn cho các tuyến đường, đặc biệt là các điểm có tiền ẩn nguy cơ mất an toàn, sử dụng có hiệu quả vốn duy tu bảo dưỡng công trình giao thông. Nghiên cứu đề xuất giải pháp cấp giấy phép lái xe theo khu vực để thuận tiện cho người dân. Sớm tham mưu, kiện toàn Ban An toàn giao thông tỉnh. Chủ động tham mưu có chất lượng cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tăng cường công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát đối với phương tiện giao thông. Đối với các kiến nghị chính đáng tại buổi làm việc Đoàn giám sát sẽ tiếp thu gửi tới các cơ quan chức năng của bộ, ngành trung ương, tỉnh. Đối với việc nâng cấp, sửa chữa đường Tỉnh lộ 215 Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh giao tuyến đường này đoạn từ Thông Nông - Ngọc Động - Hồng An - Xuân Trường nối vào Quốc lộ 4A cho Sở Giao thông vận tải quản lý.