Cần xem xét, bổ sung thêm quy định về cơ sở tiếp nhận nạn nhân lâu dài, chính thức

Thứ tư - 28/08/2024 07:23
Trong chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, sáng 28/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Cao Bằng - Bế Minh Đức cho rằng, đối với nạn nhân bị mua bán nhiều năm, không xác định được nhân thân, quê quán, không có khả năng tái hòa nhập cộng đồng cần xem xét, bổ sung thêm quy định về cơ sở tiếp nhận nạn nhân lâu dài, chính thức.
Đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng
Đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương65 điều (giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ các điều 45, 56, 58, 59; bổ sung các điều 21, 40 và 64; sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 02 điều).

Dự án Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu ý kiến của các vị ĐBQH để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật cũng đã được gửi xin ý kiến Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 8/2024). Đến nay, về cơ bản dự thảo Luật không có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan và đã có sự thống nhất cao.

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Cao Bằng - Bế Minh Đức cho rằng, về hỗ trợ nhu cầu thiết yếu tại Điều 39 quy định: "Trong trường hợp cần thiết, nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được bố trí chỗ ở tạm thời", đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét làm rõ quy định về thời gian tạm trú, cụ thể trường hợp không xác định được là nạn nhân, không xác định được là nhân thân, người thân thì phương án tiếp theo sẽ như thế nào. Điều này rất cần thiết để giảm tải áp lực, khó khăn cho các cơ sở hỗ trợ, đặc biệt là tăng thêm vai trò, trách nhiệm của các cơ sở nhà nước khi nạn nhân không xác định được nhân thân. Trường hợp nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân do thời gian dài bị lừa bán chỉ nhớ được địa chỉ ở cấp tỉnh thì có được tiếp nhận vào những cơ sở bảo trợ của tỉnh đó hay không. Đại biểu Bế Minh Đức đề nghị xem xét, bổ sung thêm quy định về cơ sở tiếp nhận nạn nhân lâu dài, chính thức đối với nạn nhân bị mua bán nhiều năm, không xác định được nhân thân, quê quán, không có khả năng tái nhập cộng đồng sau khi được bố trí chỗ ở tạm thời. Đồng thời, theo đại biểu việc quy định trong trường hợp cần thiết là chưa đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch và phụ thuộc nhiều vào đánh giá chủ quan của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc hỗ trợ. Do đó, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý quy định này đảm bảo rõ ràng, minh bạch, có thể quy định theo hướng "Khi nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng có nhu cầu".

Bên cạnh đó, đại biểu Bế Minh Đức cũng góp ý về hỗ trợ tâm lý ở Điều 42. Đại biểu cho rằng, sau khi tiếp xúc với sự kiện chấn thương tâm lý, nạn nhân của tội phạm mua bán người thường dễ rơi vào tình trạng sang chấn tâm lý, rối loạn căng thẳng với hậu quả nặng nề cho sức khỏe, tâm thần. Đại biểu nhận thấy, dự thảo luật mới chỉ quy định được hỗ trợ tâm lý mà chưa quy định cụ thể nội dung hỗ trợ là gì, ví dụ chi phí tư vấn tâm lý, khóa tư vấn miễn phí, v.v. Dự thảo luật chưa quy định được đơn vị thực hiện hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân trong thời gian chờ xác định là nạn nhân và chưa đề cập quy định cơ quan, đơn vị nào sẽ thực hiện việc hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho nạn nhân trong thời gian 90 ngày. Đồng thời, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định thời gian dài hơn theo hướng quy định mức tối đa và có tính đến trường hợp ngoại lệ đặc thù.

Về hỗ trợ phiên dịch tại khoản 2 Điều 46 quy định "Nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng không biết, không hiểu tiếng Việt được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân". Đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định hỗ trợ chi phí phiên dịch đối với nạn nhân không biết, không hiểu tiếng Việt trong trường hợp nạn nhân không lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân nhưng có nhu cầu được hỗ trợ để phù hợp với thực tiễn và có khả năng tái hòa nhập cộng đồng.

Về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng quy định tại Điều 51, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản quy định tổ chức bố trí lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển trực tiếp thực hiện hoặc phối hợp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống mua bán người để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định tại khoản 1 Điều 28, khoản 1 Điều 31, điểm a khoản 2 Điều 50 của dự thảo luật. Đại biểu nêu rõ, trên thực tế hiện nay lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển đã được bố trí lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, trong đó có phòng, chống mua bán người, đặc biệt là Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, bộ đội biên phòng đã tổ chức thành lập Phòng phòng, chống mua bán người là cơ quan chuyên trách trong phòng, chống mua bán người của lực lượng bộ đội biên phòng.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau Hội nghị này, UBTVQH sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra - Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của ĐBQH để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật; đồng thời gửi xin ý kiến chính thức của Chính phủ, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH để hoàn chỉnh Hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới./.

Tác giả: Lê Điệp (Phòng Công tác Quốc hội)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm67
  • Hôm nay5,044
  • Tháng hiện tại121,669
  • Tổng lượt truy cập9,200,685
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây