Đại biểu bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi), trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo về quy trình thực hiện các dự án của các nước phát triển, với mong muốn tránh được các hiện tượng tiêu cực, bảo đảm chất lượng, giảm thời gian thực hiện cũng như quy rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện đối với một dự án.
Đề nghị dự thảo luật bổ sung nội dung chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn xây lắp; các gói thầu tư vấn giải phóng mặt bằng như: gói thầu đo đạc kiểm đếm, gói thầu kiểm lâm, gói thầu hạ tầng di chuyển điện, gói thầu hạ tầng tái định cư…; gói thầu tư vấn chương trình mục tiêu quốc gia. Vì theo đại biểu, để thực hiện trình tự các gói thầu này mất rất nhiều thời gian, như đối với dự án nhóm A, các gói thầu tư vấn phải thực hiện qua 3 giai đoạn, từ tư vấn dự án tiền khả thi, tư vấn dự án khả thi, tư vấn thiết kế kỹ thuật và dự toán thi công. Trên thực tế, đơn vị thực hiện tư vấn dự án tiền khả thi cũng thực hiện tư vấn thiết kế dự án khả thi, tư vấn thiết kế kỹ thuật, dự toán thi công. Thời gian thực hiện 3 giai đoạn này nếu không vướng mắc và thực hiện kịp thời theo quy định phải mất 270 ngày, cộng với thời gian mời thầu, thời gian đấu thầu 270 ngày nữa, như vậy đã gần hết 2 năm cho một dự án nhóm A.
Khi đấu thầu lựa chọn tư vấn trong các bước 2, bước 3 thì ít có tư vấn khác tham gia hoặc tham gia chỉ là hình thức, vì bước 1 đơn vị trúng thầu đã phải khảo sát, đo đạc, thiết kế kiến trúc, thiết kế kết cấu, thiết kế các hạng mục công trình phụ trợ theo các tiêu chuẩn quy định và lập dự toán thi công theo thời điểm. Hơn nữa, giá trị về tư vấn là rất nhỏ, chỉ chiếm từ 1 - 2% so với giá trị dự án, trong khi thực hiện đấu thầu mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư và có thể mang tính hình thức tại bước 2, bước 3, đồng thời sẽ dẫn đến tiêu cực. Do đó, đề nghị tại Điều 21 dự thảo luật nên bổ sung chỉ định thầu cho tất cả các gói thầu về tư vấn.
Về Điều 79 quy định trách nhiệm của tổ chức thẩm định, đại biểu cho rằng tại khoản 2 dự thảo luật đã đưa ra 5 điểm quy định về trách nhiệm của tổ chức thẩm định nhưng không có nội dung phải chịu trách nhiệm tính đúng đắn của dự án, như: kiến trúc, kết cấu, khối lượng công việc, đơn giá... Trong khi đó, cơ quan thanh tra, kiểm toán kết luận sai phạm thì không có nội dung nào chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại. Thực tế, cơ quan thẩm định là cơ quan cuối cùng trước khi trình thủ trưởng các cấp phê duyệt dự án hoặc phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công. Từ những lý do trên, đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của tổ chức thẩm định trong dự án luật như sau: “Tổ chức thẩm định phải chịu trách nhiệm chính về tính đúng đắn của dự án, đồ án (kiến trúc, kết cấu, khối lượng, đơn giá…) và phải chịu trách nhiệm chính trước cơ quan thanh tra, kiểm toán khi có kết luận sai phạm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải chịu bồi thường thiệt hại”.
Đồng thời, bổ sung thêm khoản 3 quy định về trách nhiệm của cơ quan thẩm định tại Điều 89 về các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu, trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát khi thực hiện tư vấn giúp cho chủ đầu tư và cho các dự án. Đại biểu đề nghị khi bị thanh tra, kiểm toán phát hiện chất lượng công trình không đảm bảo, sai sót về khối lượng, đơn giá thì đơn vị tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm chính trước pháp luật và đền bù thiệt hại.
Tác giả: Hoàng Huyền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn