Đại biểu bày tỏ sự ghi nhận, tin tưởng đối với sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước trong thời gian quan khi việc thực hiện ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên theo đại biểu, trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn của 03 Chương trình mực tiêu quốc gia tại các địa phương còn thấp và đây là vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm, chưa có chuyển biến đáng kể. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên bao gồm cả lý do khách quan như: Do ảnh hưởng của đại dịch covid, cùng với đó là các yếu tố biến động từ bên ngoài tác động đến nền kinh tế dẫn tới giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu tăng cao, tình trạng khan hiếm nguồn cung …và nguyên nhân chủ quan như: Một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa khả thi; ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng kỷ luật kỷ cương trong Đầu tư công chưa cao; thái độ thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn kém; năng lực triển khai, thực hiện còn yếu, chưa quyết liệt…đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công hàng năm thường chậm.
Đại biểu phân tích nhấn mạnh tới nguyên nhân về thể chế chính sách liên quan đến triển khai các dự án đầu tư còn nhiều bất cập, khi hình thành dự án cho đến khi giải ngân được vốn và tổ chức thi công phải trải qua rất nhiều giai đoạn và thủ tục. Đại biểu đưa ra ví dụ như công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện 01 dự án thường phải trải qua 12 bước. Đối với dự án nhóm A, nếu thực hiện đúng thủ tục, trình tự thường mất thời gian khoảng 2 năm. Với dự án nhóm B, nhóm C thường mất 10 tháng (đó là không vướng mắc gì trong các khâu thẩm định, giải phóng mặt bằng…). Bên cạnh đó thủ tục, trình tự triển khai, thực hiện 1 dự án lại được quy định ở rất nhiều văn bản pháp luật với những quy định nghiêm ngặt về thủ tục, trình tự theo đúng thời gian, đôi khi một số quy định trong các văn bản hướng dẫn còn có sự giao thoa, chồng chéo dẫn đến mất rất nhiều thời gian hoàn thiện các thủ tục theo trình tự quy định. Hay trong triển khai, thực hiện giải ngân vốn của 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia, bên cạnh nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giao muộn, thì việc các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ và chưa đầy đủ làm cho các địa phương, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân số vốn được giao năm 2022. Cụ thể Thông tư 02 của Ủy ban Dân tộc, hiện nay còn 06 định mức, tiêu chí chưa có hướng dẫn nên không thể thực hiện được ngay. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn các Chương trình Mục tiêu quốc gia .trên phạm vi cả nước mới đạt 3,86%.. Và theo kế hoạch, tiến độ này thì từ nay đến cuối năm không thể giải ngân kịp nguồn vốn này.
Từ những vướng mắc, khó khăn đã phân tích đại biểu đề xuất một số giải pháp:
Một là, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các Thông tư hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện.
Hai là, do nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giao muộn, mặt khác các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, vốn sự nghiệp giao một số nhiệm vụ quá thời hạn vụ mùa nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2022 và cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm 2022 sang năm 2023.
Ba là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo quy định chặt chẽ và được thực thi nghiêm túc, để tạo động lực thúc đẩy cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ triển khai, thực hiện các dự án đầu tư công./.