Theo đại biểu, về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra tại Điều 47 và Điều 48 cần xem xét bổ sung việc ban hành, phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra là một bước trong trình tự tiến hành cuộc thanh tra, cụ thể là một bước trong trình tự, thủ tục chuẩn bị thanh tra. Về đình chỉ cuộc thanh tra, Đại biểu đề nghị dự thảo luật xem xét, bổ sung chủ thể có thẩm quyền đình chỉ cuộc thanh tra, để việc đình chỉ cuộc thanh tra có thể thực hiện ngay khi luật có hiệu lực thi hành, không phải chờ văn bản hướng dẫn, vì dự thảo luật hiện nay chưa quy định nội dung này.
Đại biểu cho rằng để đảm bảo nguyên tắc không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động thanh tra, dự thảo nên quy định bổ sung điều kiện để trưởng đoàn thanh tra quyết định thời gian làm việc ngoài giờ hành chính theo hướng "trường hợp phải làm việc ngoài giờ hành chính thì trưởng đoàn thanh tra quyết định về thời gian cụ thể và chịu trách nhiệm về quyết định của mình sau khi trao đổi, thống nhất với đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan".
Về quy định thanh tra đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đại biểu cho rằng cần bổ sung một số quy định về thanh tra đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để bảo hiểm xã hội được tổ chức cơ quan thanh tra ở cấp trung ương và địa phương, hoạt động thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của cơ quan Bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định. Vì cơ quan Bảo hiểm xã hội đã được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và một số nhiệm vụ quản lý nhà nước theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện chức năng thanh tra hiện nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hệ thống thanh tra, kiểm tra của ngành được cơ cấu theo hai cấp trung ương và địa phương. Trong những năm vừa qua, ngành bảo hiểm xã hội đã khẳng định được vai trò và khả năng của mình trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, qua đó góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn tình trạng trốn đóng, chiếm dụng nợ đọng Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo được niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với ngành trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đồng thời, qua thanh tra cũng đã góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động và chủ sử dụng lao động. Hiệu quả trong công tác thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cũng cho thấy hầu hết kết quả thanh tra, kiểm tra là do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện.