Đại biểu đề nghị bổ sung quy định thời hạn người có hành vi bạo lực gia đình phải có mặt trụ sở Công an xã tính từ lúc nhận được yêu cầu của Công an xã để giải quyết vụ việc bạo lực gia đình tại Điều 24 dự thảo Luật, để đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc, cũng như tránh trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình chây ì, kéo dài thời gian. Đại biểu đưa ra đề xuất thời hạn là 12 giờ kể từ khi người có hành vi bạo lực gia đình nhận được yêu cầu và có quy định ngoại lệ đối với trường hợp ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn.
Về địa chỉ tin cậy quy định tại Điều 36, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo luật là chưa chặt chẽ và đề nghị cần phải có quy định về sự đánh giá, công nhận của chính quyền, của cộng đồng đối với địa chỉ tin cậy, cụ thể dự thảo Luật nên quy định: khi nhận được đề nghị của cá nhân, tổ chức lập địa chỉ tin cậy. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ trên xác nhận của tổ dân phố nơi đăng ký địa chỉ tin cậy, quyết định công nhận và công bố về địa chỉ tin cậy.
Đối với quy định việc miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản đối với người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu cho rằng thay vì chỉ quy định việc miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản đối với người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình trong trường hợp đe dọa đến tính mạng của người bị bạo lực gia đình thì dự thảo Luật nên quy định việc miễn trách nhiệm trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình đe dọa đến tính mạng con người, vì trong thực tế hành vi bạo lực gia đình đôi khi không chỉ đe dọa đến tính mạng của người bị lạo lực gia đình mà còn đe dọa đến tính mạng của những người xung quanh hay chính người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.
Về cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, theo đại biểu dự thảo luật quy định cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động không vì mục đích lợi nhuận là không phù hợp với thực tiễn và đề nghị dự thảo luật nên bỏ quy định này để khuyến khích việc thành lập những cơ sở này theo quy luật của kinh tế thị trường. Bên cạnh đó nhà nước cần có những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia hoạt động dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt đối với những tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất không vì mục đích lợi nhuận sẽ có những hỗ trợ, ưu đãi nhiều hơn từ nhà nước…