Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy với 3 nội dung:
Thứ nhất, cho phép UBND tỉnh lùi thời gian ban hành Đề án (hoặc ban hành Đề án tạm thời có hướng dẫn mang tính nguyên tắc chung) sau khi Chính phủ phê duyệt nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý về chủ trương cho tỉnh quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách XNT,NDN theo quy định của Luật Đầu tư công; kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến hết năm 2025.
Thứ hai, điều chỉnh một số nội dung tại Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về lãnh đạo thực hiện XNT,NDN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND, ngày 29/7/2021 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ XNT,NDN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2022 và các văn bản liên quan.
Cụ thể, không thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà tôn lắp ghép, thay bằng mẫu nhà theo tiêu chí của Chương trình MTQG (nhà theo phong tục, tập quán của địa phương và bảo đảm diện tích tối thiểu 40 m2); đối với các huyện thực hiện hỗ trợ bằng nhà tôn lắp ghép (38 hộ), sử dụng kinh phí hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa. Có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, Thành phố dừng không thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà tôn lắp ghép, tạm dừng hỗ trợ xây dựng nhà mới có vốn đối ứng để chờ nguồn hỗ trợ của Trung ương; tập trung thực hiện hỗ trợ các hộ sửa chữa nhà ở (là nội dung không có trong các Chương trình MTQG).
Thứ ba, điều chỉnh nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch đầu tư công hằng năm và Kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản liên quan, ghi bổ sung danh mục Chương trình hỗ trợ thực hiện XNT,NDN.
Dự kiến kế hoạch thực hiện năm 2021, huy động nguồn lực xã hội hóa 21,875 tỷ đồng hỗ trợ 1.557 hộ đã hoàn thành, đang thi công làm mới, sửa chữa nhà ở (thời điểm đến ngày 30/10/2021); đối với 919 nhà đã và đang làm mới, tổng kinh phí 13,785 tỷ đồng, ứng trước kinh phí 15 triệu đồng/nhà; 600 hộ đã và đang sửa chữa, tổng kinh phí 13,785 tỷ đồng, hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà; 38 nhà tôn lắp ghép tại các huyện: Hạ Lang, Quảng Hòa, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hòa An kinh phí 2,09 tỷ đồng, hỗ trợ 55 triệu đồng/nhà. Đối với nguồn kinh phí 100 tỷ đồng ngân sách địa phương tham mưu cho Ban Chỉ đạo để đối ứng và chi bổ sung hỗ trợ những nội dung không có trong Chương trình MTQG sẽ phân bổ kinh phí khi có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Kết luận của Tỉnh ủy cụ thể như sau: Tích hợp Đề án với các tiêu chí, nguồn lực đầu tư của Chương trình MTTQ để Đề án đảm bảo sự nhất quán liên thông, tận dụng các nguồn lực chương trình đầu tư, kéo dài Đề án đến năm 2025 hoàn thành. Điều chỉnh diện tích nhà từ 40m2 trở lên, mức hỗ trợ nâng lên 44 triệu đồng/nhà; hạn chế dùng tấm lợp phi brô xi măng, làm nhà tôn lắp ghép.
Phân cấp cho huyện điều chỉnh, đảm bảo nguồn đối ứng hỗ trợ; ra quyết định chính thức phê duyệt danh sách các hộ được hỗ trợ XTN,NDN; những hộ phát sinh ngoài danh mục cần tính toán kỹ và tìm thêm nguồn hỗ trợ khác; hỗ trợ cho hộ làm mới 15 triệu đồng/nhà, nhà sửa chữa 10 triệu đồng/nhà. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh đôn đốc, vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ chương trình tập trung thêm nguồn vốn cho tỉnh.
Các sở, ban, ngành sớm bố trí nguồn vốn cho Đề án năm 2022 đưa vào vốn đầu tư trung hạn đến năm 2025; những hộ đã làm nhà và sửa nhà, các địa phương bố trí chi trả tiền trước Tết năm 2022.