Theo Dự thảo Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2023, năm 2021, từ các nguồn huy động xã hội hóa, tỉnh hỗ trợ thực hiện 230 nhà cho 228 hộ nghèo, 2 hộ gia đình chính sách, người có công với tổng kinh phí trên 7,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của tỉnh chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; nhiều hộ còn khó khăn về nhà ở, nhà ở dột nát. Toàn tỉnh hiện còn 42.580 hộ nghèo, trong đó, 6.594 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ xây mới và sửa chữa để sớm ổn định cuộc sống.
Giai đoạn 2022 - 2023, tỉnh tập trung nguồn lực hoàn thành hỗ trợ xóa 6.364 nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo với tổng kinh phí 244 tỷ 452 triệu đồng. Theo đó, năm 2022, hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.037 nhà (342 nhà tôn lắp ghép, 1.558 nhà làm mới, 1.137 nhà sửa chữa); năm 2023, hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.327 nhà (1.655 nhà làm mới, 1.672 nhà sửa chữa). Sau khi được hỗ trợ, tuổi thọ căn nhà yêu cầu phải đạt từ 20 năm trở lên (cả làm mới và sửa chữa).
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê đề nghị các ngành hoàn thiện hệ thống số liệu liên quan đến các đối tượng được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát xong trước ngày 20/5/2022. Thống nhất diện tích nhà ở tối thiểu 40 m2, hỗ trợ tiền làm nhà mới 44 triệu đồng, sửa chữa nhà tối đa 30 triệu đồng; ưu tiên giải quyết hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình chính sách hoàn thành trong năm 2022; các hộ đã và đang thực hiện hỗ trợ từ năm 2021 trở về đây đều thuộc phạm vi đề án.
Kết thúc tháng 5/2022, hoàn thiện Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 để báo cáo BCĐ, UBND tỉnh.