Tham dự có các đồng chí: Dương Mạc Thăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, con trai đồng chí Dương Mạc Thạch (tức Xích Thắng) - Chính trị viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; thành viên Ban Tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể, các huyện, Thành phố; đại diện thân nhân gia đình 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh; nhà nghiên cứu, trí thức tham luận tọa đàm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước. Năm 1925, Võ Nguyên Giáp bắt đầu con đường hoạt động cách mạng. Từ năm 1941 - 1945, nhiều hoạt động, sự kiện mà đồng chí Võ Nguyên Giáp thực hiện ở Cao Bằng đã góp phần xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước.
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ (trong đó có 25 người là con em các dân tộc Cao Bằng) do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy được thành lập. Đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Chỉ hai ngày sau khi thành lập, Đội đã ra quân và giành thắng lợi tại 2 trận đánh đồn Phai Khắt (ngày 25/12) và đồn Nà Ngần (ngày 26/12), mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam...
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn mang ý nghĩa chiến lược. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng với cương vị Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân và dân ta, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế. Đại tướng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa VI; Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa II đến khóa V; đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII và đảm trách nhiều cương vị như: Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam… Đại tướng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Đối với Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành một tình cảm đặc biệt sâu nặng. Từ sau ngày miền Nam giải phóng năm 1975, Đại tướng đã 5 lần trở lại thăm Cao Bằng. Những lần Đại tướng về thăm, Cao Bằng như được đón người thân trở về nhà, được đón nhận những lời chỉ bảo ân cần, những bài học sâu sắc, khơi dậy và nhân lên mạnh mẽ truyền thống cách mạng.
Toàn cảnh buổi toạ đàm
Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, các đại biểu tập trung làm rõ những hoạt động và cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên một số nội dung: Cuộc đời hoạt động cách mạng và công lao, cống hiến to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam; hoạt động cách mạng, các sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Cao Bằng; sự gắn bó của Đại tướng với mảnh đất, con người Cao Bằng, sự quan tâm và tình yêu thương sâu sắc của Đại tướng dành cho Cao Bằng cũng như sự giúp đỡ, chở che, tình cảm sâu nặng, những kỷ niệm không phai mờ của các thế hệ cách mạng và nhân dân các dân tộc Cao Bằng với Đại tướng; việc giáo dục, học tập tấm gương đạo đức cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong các tầng lớp nhân dân, trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, góp phần xây dựng tỉnh Cao Bằng ngày càng phát triển.
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê khẳng định: Buổi tọa đàm là một lời tri ân sâu sắc nhất của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Cao Bằng với những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào cách mạng của tỉnh Cao Bằng nói riêng; càng khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Qua đó củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Tọa đàm là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước đó, cách đây 4 ngày, thành phố Cao Bằng đã tổ chức Lễ gắn biển đường phía Nam khu đô thị mới mang tên Đường Võ Nguyên Giáp - đây là con đường to, đẹp nhất Thành phố, góp phần thể hiện sự tôn vinh, tri ân sâu sắc, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thành phố và tỉnh Cao Bằng đối với Đại tướng của nhân dân.
Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng mãi mãi biết ơn và khắc ghi hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như những cống hiến của Đại tướng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nguyện tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, trước mắt là phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nỗ lực vươn lên, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, quyết tâm xây dựng Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với lời căn dặn của Đại tướng: “Cao Bằng đã là ngôi sao sáng trong cách mạng giải phóng dân tộc thì mong rằng đồng bào Cao Bằng vận dụng cái tinh thần và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tính năng động, sáng tạo của nhân dân các dân tộc, kể cả ở nơi rẻo cao, để làm sao trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, Cao Bằng cũng trở thành một trong những ngôi sao rất sáng”.