KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XV: LINH HOẠT, CHẤT LƯỢNG VÀ ĐẢM BẢO AN TOÀN PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

Thứ năm - 29/07/2021 22:05
Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng sau 9 ngày làm việc liên tục với tinh thần tích cực, khẩn trương, tâm huyết, dân chủ, trách nhiệm, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã hoàn thành tất cả chương trình nghị sự, thành công tốt đẹp thậm chí vượt cả mục tiêu đã đề ra.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trao đổi với phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam tại trường quay.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trao đổi với phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam tại trường quay.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch Covid-19 lây lan ra hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới được triệu tập chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội. Do đó, Quốc hội phải tổ chức Kỳ họp thứ nhất với phương châm: “nhanh nhất, ngắn nhất và phải đảm bảo chất lượng nhất”.

Để làm rõ hơn về những kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

TỔ CHỨC KỲ HỌP NHANH NHẤT, NGẮN NHẤT NHƯNG PHẢI ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG

Phóng viên: Thưa Tổng Thư ký Quốc hội, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã kết thúc và hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tổng Thư ký có thể đánh giá khái quát những kết quả nổi bật của kỳ họp đầu tiên này?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, đó là đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch Covid-19 lây lan ra hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới được triệu tập chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội. Do đó, chúng ta phải tổ chức kỳ họp thứ nhất với phương châm: nhanh nhất, ngắn nhất và phải đảm bảo chất lượng nhất. Như vậy, kỳ họp đã diễn ra và thành công rất tốt đẹp. Về những kết quả nổi bật trong kỳ họp có thể khái quát như sau:

Thứ nhất: Quốc hội đã xem xét thảo luận, quyết định các giải pháp vĩ mô trong phòng chống đại dịch Covid- 19, nhất là tháo gỡ về thể chế, pháp lý để Chính phủ, cấp ủy chính quyền địa phương có căn cứ pháp lý, nguồn lực, chỉ đạo phòng chống hiệu quả nhằm đẩy lùi đại dịch Covid 19.

Thứ hai: Quốc hội đã bầu và phê chuẩn nhân sự 50 chức danh của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 – 2026 và thông qua báo cáo xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Thứ ba: Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước 06 tháng đầu năm 2021 và các nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm 2021; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019. Đồng thời xem xét quyết định các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về: Phát triển kinh tế xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để Chính phủ điều hành phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và đối ngoại của đất nước 05 năm tới.

Thứ tư: Xem xét thông qua 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Nghe ý kiến, kiến nghị của cư tri cả nước gửi tới Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ nhất; Cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020.

Thứ năm: Quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Quyết định chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và thành lập 02 đoàn giám sát tối cao năm 2022. Với tinh thần tích cực, khẩn trương, tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ, Quốc hội đã làm việc cả ngày nghỉ và ngoài giờ. Các cơ quan của Quốc hội làm việc xuyên đêm. Vì thế, sau 9,5 ngày làm việc hiệu quả, Quốc hội đã thông qua 29 Nghị quyết trong đó có 17 nghị quyết về nhân sự, 01 nghị quyết về cơ cấu Chính phủ, 11 nghị quyết chuyên đề, nghị quyết chung của kỳ họp.

Công tác phòng chống dịch phục vụ kỳ họp đã được triển khai chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ họp. Công tác chuẩn bị về nội dung, tài liệu, điều kiện đảm bảo, cơ sở vật chất và an ninh, an toàn, y tế khác phục vụ kỳ họp được thực hiện rất tốt.

Phóng viên: Kỳ họp diễn ra khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Chính vì vậy, Quốc hội đã có sự chuẩn bị quyết liệt trong công tác đảm bảo phòng chống dịch bệnh như thay đổi phương thức rút ngắn thời gian của kỳ họp để vừa hoàn thành nội dung chương trình, vừa đảm bảo chất lượng. Tổng Thư ký có thể cho biết cụ thể công tác phòng chống dịch bệnh tại kỳ họp này?

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Công tác phòng, chống dịch tại kỳ họp này đã được thực hiện hết sức nghiêm ngặt theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia công bố danh sách những người trúng cử đại biểu quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tất cả các đại biểu Quốc hội và cán bộ phục vụ kỳ họp, kể cả phóng viên báo chí.

Thứ hai: Tổ chức xét nghiệm trước kỳ họp cho tất cả các đại biểu và cán bộ phục vụ 03 lần trước khi về dự kỳ họp và 01 lần trong thời gian tổ chức kỳ họp. Đối với các đại biểu ở địa phương, trước khi trở về, các đại biểu Quốc hội và cán bộ phục vụ đoàn được xét nghiệm thêm 01 lần nữa. Tất cả đều có kết quả âm tính.

Riêng đại biểu Quốc hội và cán bộ phục vụ của 19 địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ thì còn xét nghiệm thêm 02 lần nữa vào tuần đầu tiên của kỳ họp và tất cả đều có kết quả âm tính.

Ngoài ra, trước khi đại biểu Quốc hội trở về địa phương thì Văn phòng Quốc hội cũng tổ chức xét nghiệm một lần cuối cùng vào ngày 27/7/2021. Kết quả là tất cả đều âm tính. Đến 22h ngày 28/7/2021, tất cả các đại biểu quốc hội, cán bộ phục vụ (kể cả lái xe), các phóng viên báo chí, những người tham gia kỳ họp đều có kết quả xét nghiệm Sars-covi -2 âm tính.

Thứ ba: Tất cả các đại biểu Quốc hội, khách mời, các bộ phận phục vụ và cả phóng viên báo chí đưa tin về kỳ họp Quốc hội đều thực hiện nghiêm các quy định của ngành y tế về phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện đúng thông điệp “5K”. Riêng đại biểu thuộc 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 được bố trí ở tại khách sạn riêng, đi bằng phương tiện riêng từ khách sạn đến nơi họp, bố trí ngồi họp ở vị trí riêng, đi lại tại hội trường Diên Hồng cũng theo lối đi riêng và giãn cách với các đại biểu khác. Hạn chế tối đa người ra vào khu vực nhà Quốc hội. Trung tâm Báo chí cũng chuyển từ Toà nhà Quốc hội sang Toà nhà Văn phòng Quốc hội tại 22 Hùng Vương.

Các đoàn đại biểu, các đại biểu Quốc hội, cán bộ phục vụ đoàn không tiếp xúc, gặp gỡ, giao lưu, không đi khỏi nơi họp và nơi ở để phòng, chống dịch; cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng Quốc hội trong thời gian diễn ra kỳ họp không đi khỏi nơi cư trú và nơi làm việc, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bên ngoài. Đối với các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội không tổ chức các cuộc họp ngoài chương trình kỳ họp. Các cuộc họp không thuộc nội dung chương trình kỳ họp đều không được tổ chức.

QUỐC HỘI CÙNG VỚI CHÍNH PHỦ CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

Phóng viên: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Quốc hội đã có những quyết định thể hiện sự đồng lòng trong công tác phòng, chống dịch, đặt việc đảm bảo an toàn sức khỏe của nhân dân và an sinh xã hội lên trên hết. Với sự nhất trí cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp với nội dung thể hiện công tác phòng, chống dịch. Tổng Thư ký có thể nói rõ hơn về những quyết định của Quốc hội sẽ giúp các Bộ ngành, địa phương thuận lợi hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh như thế nào?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Việc Quốc hội phải có một Nghị quyết về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là sáng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ để đồng hành cùng Chính phủ chống dịch; tháo gỡ các vướng mắc về pháp luật và tăng cường nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Mặc dù Chính phủ chưa trình Quốc hội, song với tinh thần đổi mới, Quốc hội hành động, đồng hành cùng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã chủ động yêu cầu Chính phủ báo cáo và đề xuất, trên cơ đó Quốc hội thông qua Nghị quyết. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về phòng, chống dịch bệnh sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề phát sinh.

Thứ nhất: Tháo gỡ về mặt pháp lý, trao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sử dụng các biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp để phòng, chống dịch.

Thứ hai: Bổ sung nguồn lực về tài chính để Chính phủ và các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Thứ ba: Tháo gỡ về cơ chế chính sách, nguồn lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay

Thứ tư: Kêu gọi đồng bào và cử tri cả nước chung sức, đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid 19, bảo vệ an toàn sức khỏe nhân dân và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phóng viên: Thưa Tổng Thư ký, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Quốc hội đưa ra những phương án nào để thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu sau Kỳ họp thứ nhất kết thúc?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Về phương án tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thống nhất có văn bản chỉ đạo rất cụ thể. Tinh thần chung là tùy theo tình hình dịch bệnh ở từng địa phương để có hình thức tiếp xúc phù hợp, kể cả các hình thức trực tuyến hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả kỳ họp. Việc làm này cũng là vừa đảm bảo theo quy định của pháp luật là báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Quốc hội khuyến khích việc tiếp xúc thông qua hình thức trực tuyến và báo cáo kết quả kỳ họp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Còn những kiến nghị của cử tri nếu có gửi đến Quốc hội thì tiếp tục bằng các kênh thông tin, gửi thư đến đại biểu Quốc hội, đến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đó các đoàn tiếp thu và phản ánh về Quốc hội.

Phóng viên: Với cương vị là người phát ngôn của Quốc hội, Tổng Thư ký muốn nhắn gửi gì tới cử tri cả nước sau khi Kỳ họp thứ nhất kết thúc thành công?

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Trước hết, xin cảm ơn cử tri và Nhân dân cả nước đã luôn theo dõi, đồng hành với Quốc hội trong suốt thời gian qua. Nhiều cử tri đã gửi những thông tin rất kịp thời, kiến nghị xác đáng, tâm huyết trách nhiệm, để trên cơ sở đó, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội xem xét, tiếp thu thể hiện vào trong các báo cáo tiếp thu, giải trình, cũng như dự thảo các nghị quyết trình Quốc hội thông qua. Chúng tôi rất cảm ơn những đề xuất kịp thời như vậy.

Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin kính chúc cử tri và nhân dân cả nước dồi dào sức khỏe, quyết tâm cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thật tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với thực tế địa phương và tiếp túc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của mỗi gia đình, của địa phương và đất nước để thực hiện được mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phát triển kinh tế và đặc biệt là chăm lo an sinh xã hội, chăm lo cho những người yếu thế, người có công, gia đình chính sách..., để trong bối cảnh khó khăn này chúng ta sẽ chung sức, đồng lòng vượt qua dịch bệnh, phát triển đất nước.

XÂY DỰNG CÁC ĐỀ ÁN TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

Phóng viên: Thưa Tổng Thư ký, ngay tại phiên khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, ý nghĩa, trong đó yêu cầu Quốc hội phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Vậy trong nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ tập trung vào những đổi mới nào?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, và sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong từng lĩnh vực cụ thể: về lập pháp, về giám sát tối cao và về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng Quốc hội điện tử… Những việc làm này nhằm để Quốc hội tiếp tục làm thật tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một loạt các đề án đang được các cơ quan của Quốc hội xây dựng, hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những vấn đề nào vượt thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì sẽ báo cáo xin ý kiến Trung ương. Mục tiêu là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của Quốc hội, theo hướng xây dựng pháp luật phải có tuổi thọ dài hơn, tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật và đặc biệt phải bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của cử tri và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Với giám sát tối cao thì phải giám sát đến cùng của sự việc để những vấn đề tồn tại, những vi phạm phải được khắc phục, sửa chữa. Có như vậy, giám sát của Quốc hội mới có hiệu quả. Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thì phải trên cơ sở xem xét thật kỹ lưỡng, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết và trước hết, tránh lợi ích nhóm (nếu có) hay đề xuất chính sách theo một nhóm lợi ích. Tất cả những vấn đề đó sẽ được Quốc hội xem xét cụ thể. Với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả hơn, tôi tin tưởng Quốc hội khóa XV sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ Nhất.

CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀU PHẢI ĐẶT LỢI ÍCH CỦA NHÂN DÂN, CỦA ĐẤT NƯỚC LÊN TRÊN HẾT

Phóng viên: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn nhấn mạnh đến vai trò, chất lượng hoạt động của từng đại biểu Quốc hội đóng góp chung vào thành công của Quốc hội. Vậy thời gian tới, Quốc hội sẽ thực hiện định hướng này như thế nào, thưa Tổng Thư ký?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội khóa XV được lựa chọn trên cơ sở lá phiếu tín nhiệm của gần 70 triệu cử tri trong gần 900 người ứng cử. Ngay sau khi có kết quả trúng cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội mới trúng cử; biên soạn và phát hành sách về những vấn đề đại biểu Quốc hội khóa XV cần biết.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành các hoạt động thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động cho đại biểu. Đồng thời cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội phải tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, gắn bó mật thiết với nhân dân, với thực tiễn cuộc sống, lắng nghe ý kiến nhân dân. Trên cơ sở đó, mỗi một quyết định của mình tại nghị trường Quốc hội, từ việc xem xét, thảo luận, tranh luận đến ấn nút biểu quyết đều phải đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết, trước hết. Phải hết sức kỹ lưỡng trong nghiên cứu, đánh giá và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Như vậy, tôi tin là Quốc hội sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của nhiệm kỳ này.

KÊU GỌI TINH THẦN ĐOÀN KẾT CỦA CÁC TẦNG LỚP NHÂN DÂN TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

Phóng viên: Như Tổng Thư ký chia sẻ, Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất đã thực sự mang hơi thở của cuộc sống khi đưa vào nội dung phòng, chống dịch Covid – 19. Cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến việc Quốc hội và đại biểu Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện Nghị quyết này như thế nào để bảo đảm hiệu quả cao nhất?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Đợt dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng mới lây lan rất nhanh, độc lực rất mạnh, đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. Vì thế, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội đã được Quốc hội thống nhất cao với sự đồng tình của gần 100% đại biểu có mặt, ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Kể cả những thẩm quyền, những yêu cầu về mặt pháp lý liên quan đến việc áp dụng các biện pháp đặc biệt như hạn chế người dân đi khỏi nơi cư trú... để chúng ta làm thật tốt công tác phòng, chống dịch. Đồng thời yêu cầu cắt giảm các chi tiêu không cần thiết giành thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; quyết định việc chuyển nguồn để mua vaccine phòng, chống dịch, đẩy mạnh việc sản xuất vaccine trong nước. Bên cạnh đó là các chính sách miễn, giảm thuế, các chính sách chăm lo cho các đối tượng chính sách, người yếu thế không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ, trao đổi thường xuyên, cho ý kiến, để Chính phủ có đủ căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện.. Quốc hội cũng chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người dân, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể nhân dân có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa chăm lo cho sức khỏe, đời sống của nhân dân; kêu gọi các tầng lớp nhân dân chung sức đồng lòng, tương thân, tương ái hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, để chúng ta vượt qua đại dịch.

Phóng viên: Qua Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã có những đổi mới hết sức nhanh nhạy, thực tế để phòng, chống dịch Covid – 19 được cử tri đánh giá là minh chứng sinh động cho thấy tinh thần đổi mới, sự linh hoạt trong điều hành chương trình Kỳ họp và sự quyết liệt trong hành động của Quốc hội để phúc đáp các yêu cầu của cuộc sống. Từ sự khởi đầu này, tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới và hành động như thế nào, thưa Tổng Thư ký?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nhất là từ sau Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV, Đảng đoàn Quốc hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong từng lĩnh vực. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh, đổi mới của Quốc hội phải tiến hành đồng bộ, căn cơ ở tất cả các lĩnh vực, thẩm quyền và các chủ thể. Về lĩnh vực hoạt động và thẩm quyền có lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng Quốc hội điện tử… để Quốc hội làm thật tốt các chức năng của mình, thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân cả nước, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Trong đó, đổi mới trong lĩnh vực lập pháp phải hướng đến xây dựng các đạo luật có “tuổi thọ” dài hơn, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn và đặc biệt phải bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của người dân, đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Với giám sát tối cao thì phải theo đến cùng để những vấn đề tồn tại, những vi phạm phải được khắc phục, sửa chữa, tạo chuyển biến trong thực tế và không tái diễn các vi phạm cũ. Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thì phải trên cơ sở xem xét thật kỹ lưỡng, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết và trước hết, tránh câu chuyện lợi ích nhóm hay đề xuất chính sách mang tính chất cục bộ…

Hiện nay, các Đề án về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội cũng đều đang được các cơ quan của Quốc hội khẩn trương hoàn thiện. Những vấn đề thuộc thẩm quyền, có thể làm ngay được thì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ áp dụng ngay. Những vấn đề nào có thể vượt thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì sẽ báo cáo xin ý kiến Trung ương.

Với tinh thần phải trách nhiệm hơn, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn nữa, tôi tin tưởng Quốc hội Khóa XV sẽ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, trọng trách của mình trong bối cảnh các khó khăn, thách thức đối với đất nước được dự báo sẽ gay gắt hơn trong thời gian tới khi đại dịch Covid – 19 vẫn diễn biến phức tạp.

Phóng viên: Công tác thông tin tuyên truyền về Kỳ họp thứ nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 nhưng diễn ra tích cực được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Tổng Thư ký đánh giá như thế nào về đóng góp của báo chí vào thành công của Kỳ họp?

Tổng Thư ký quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Với tư cách là người phát ngôn của Quốc hội, tôi trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí, trong đó có Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân của chúng ta, trong điều kiện hạn chế tiếp xúc, hạn chế phóng viên nhưng với việc tổ chức Trung tâm báo chí kỳ họp tại 22 Hùng Vương đã bảo đảm cho các phóng viên tác nghiệp nhanh chóng, chính xác, kịp thời diễn biến của kỳ họp. Trên cơ sở đó truyền tải đầy đủ thông tin về các nội dung mà đồng bào cử tri cả nước quan tâm, mong đợi, nhất là các quyết sách cho nhân dân. Có thể nói, phóng viên đã làm việc hết sức tận tụy, trách nhiệm để chia sẻ các thông tin kỳ họp đến với đồng bào cử tri cả nước.

Chúng tôi đánh giá rất cao các cơ quan thông tấn, báo chí và mong muốn với tinh thần đó, sau kỳ họp, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đồng hành chặt chẽ với Quốc hội, bởi báo chí là cầu nối hết sức quan trọng giữa cử tri với Quốc hội, để đảm bảo các quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuyển tải đầy đủ đến với cử tri và Nhân dân cả nước. Thông tin kịp thời, chính xác sẽ tạo sự đồng thuận và đoàn kết, đồng lòng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được báo chí truyền tải kịp thời, đầy đủ tới đồng bào cử tri cả nước, góp phần truyền tải thông điệp, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid - 19 hiện nay. Các thông tin liên quan đến phòng, chống dịch đã được truyền thông rất kịp thời.

Đến thời điểm này chúng ta khẳng định, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV đã thành công rất tốt đẹp, không có một đại biểu nào, cán bộ phục vụ nào kể cả phóng viên và lái xe bị nhiễm Covid-19. Đây là kết quả từ sự cố gắng của tất cả các đại biểu Quốc hội, cán bộ phục vụ, phóng viên, nhân viên và đặc biệt là Bộ Y tế, Thành phố Hà Nội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan phục vụ kỳ họp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội!

Nguồn tin: quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay8,396
  • Tháng hiện tại128,047
  • Tổng lượt truy cập9,207,063
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây