Trong đêm mùng 8, rạng sáng 9/9, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, trong đó, nghiêm trọng nhất là ở huyện Nguyên Bình có 3 điểm sạt lở gồm: xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành; xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc gây chết, bị thương và mất tích nhiều người, các lực lượng cứu nạn, cứu hộ nhanh chóng cần tiếp cận hiện trường để triển khai công tác ứng cứu. Ngay lập tức, tỉnh đã thành lập Sở chỉ huy cấp tỉnh tại huyện, phân công Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch làm tổng chỉ huy; các lực lượng quân sự, công an phối hợp, triển khai nhiệm vụ; huy động các phương tiện, máy móc thiết bị, trang bị vật tư tập trung cao nhất công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn. Quân khu 1 hỗ trợ gần 50 đồng chí từ Lữ đoàn Công binh 575 hỗ trợ tìm kiếm người mất tích.
Tuy nhiên, lúc này, tất cả các ngả đường đến hiện trường vụ việc đều bị ách tắc do có nhiều điểm sạt lở nặng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phương tiện cứu hộ không thể tiếp cận. Để đến hiện trường, các lực lượng cứu nạn, cứu hộ phải đi xe máy từng chặng rồi đi bộ, trong khi trời mưa rất to, đất đá vẫn đang sạt lở, hết sức khó khăn và nguy hiểm.
Xóm Lũng Lỳ có 59 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, bà con chủ yếu làm nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Nhịp sống của bà con vốn dĩ cứ thế yên bình trôi qua, nhưng khi vụ sạt lở bất ngờ xảy ra, đất đá trên núi đổ sập xuống vùi lấp hoàn hoàn toàn 6 ngôi nhà trong xóm khiến 9 người mất tích và 3 người bị thương. Đồng chí Hoàng Tiến Đạt, dân quân thị trấn Tĩnh túc, là một trong những người đầu tiên vượt qua các điểm tắc đường để tiếp cận điểm sạt lở xóm Lũng Lỳ cho biết: Mưa lũ những ngày qua đã gây chia cắt đường giao thông và gián đoạn mạng lưới thông tin liên lạc, mặc dù chúng tôi đã tiếp cận được hiện trường nhưng chỉ ở một số khu vực gần đường của xóm do trời mưa to, khối lượng đất đá sạt lở quá nhiều, bùn nhão lún sâu khiến cho việc di chuyển trở nên khó khăn. Với sự hỗ trợ của người dân trong xóm, ngay ngày đầu tiên chúng tôi đã tìm được 2 nạn nhân. Đến chiều 11/9, đường vào xóm mới thông, các lực lượng và phương tiện hỗ trợ, máy móc nhanh chóng tiếp cận điểm sạt lở để tập trung tìm kiếm nạn nhân.
Tại Km 180+680, Quốc lộ 34 thuộc địa phận xóm Khuổi Ngoại, xã Ca Thành, vụ sạt lở đất đá rạng sáng 9/9 đã khiến cho xe khách, xe con và nhiều xe máy bị cuốn xuống suối trôi ra xa hàng km. Điểm sạt lở bị đất đá vùi lấp, công tác cứu nạn, cứu hộ hết sức khó khăn vì giao thông chia cắt, không thể đưa máy móc, phương tiện hỗ trợ đến hiện trường. Ngày 10/9, sau những nỗ lực thông đường, các lực lượng chức năng mới tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở. Từ khi phát hiện chiếc xe ô tô bị cuốn trôi, đã tìm thấy hơn 20 hành khách tử vong quanh vị trí đó, nạn nhân nằm rải rác dọc bờ suối, thậm chí có nạn nhân được tìm thấy khi bị cuốn trôi đến tận xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc (là địa bàn giáp ranh xã Ca Thành).
Thượng tá Hoàng Tuấn Nam, Phó Trưởng Công an huyện Nguyên Bình trực tiếp chỉ đạo và tham gia tìm kiếm các nạn nhân cho biết: Chiếc xe khách bị nước lũ quét vò nát không còn nguyên vẹn, đất đá vùi lấp khiến công việc cứu hộ, trục vớt xe khách ra khỏi dòng suối gặp khó khăn. Nhiều ngày liền, các lực lượng chức năng cùng với hàng trăm người phải thay nhau sử dụng các thiết bị chuyên dụng để trục vớt chiếc xe khách ra khỏi dòng suối Khuổi Ngọa; huy động lực lượng trục vớt chiếc xe ô tô con bị cuốn trôi dưới suối; sử dụng dây thừng để kéo những chiếc xe máy mắc kẹt dưới suối lên bờ… Đồng thời, ở hiện trường ban đầu, các lực lượng sử dụng vòi phun áp lực cao bắn nước vào lớp bùn đất ở mương nước bên quốc lộ 34; lực lượng công an huyện, dân quân xã chia làm 4 tổ, tiến hành rà soát từ dưới cầu của UBND xã Ca Thành đi ngược lên địa phận Nộc Soa, Xà Pèng… để tìm kiếm các nạn nhân đang mất tích.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch cho biết: Công tác chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn tại 3 vị trí sạt lở do ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại huyện Nguyên Bình được tiến hành ngay khi sự việc xảy ra; thiết lập Sở Chỉ huy lâm thời tại xã Vũ Nông; phân công các lực lượng tiếp cận các vị trí sạt lở tìm các biện pháp cứu nạn cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân bị đất đá vùi lấp, trục vớt các thi thể bị cuốn trôi. Tình hình thời tiết gây khó khăn cho lực lượng cứu nạn cứu hộ, vì vậy, ngoài việc tìm kiếm các nạn nhân, chúng tôi cũng triển khai các phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng, với mục tiêu cố gắng nhanh nhất để kết thúc đợt tìm kiếm, hoàn thành cứu nạn cứu hộ.
Trong những ngày mưa lũ, mặc cho những đám mây đen kịt kéo đến vần vũ trên bầu trời, thi thoảng có sấm rền vang, mưa trút xuống ngày một nặng hạt, cảm giác như bầu trời sắp sụp xuống. Những tốp người từ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, dân quân, y tế mang theo những thiết bị chuyên dụng cùng với người dân trong xóm Lũng Lỳ chia thành những nhóm nhỏ hối hả lên đường tìm kiếm những nạn nhân đang mất tích. Dựa theo vị trí những ngôi nhà được người dân chỉ điểm và phán đoán tình hình thực tế, ước lượng số lượng đất đá vùi lấp, công tác tìm kiếm được triển khai khẩn trương, nghiêm túc. Ai cũng cần mẫn làm công việc của mình, khi phát hiện được nạn nhân lập tức tiến hành đào bới, thông tin cho Sở Chỉ huy và các nhóm khác biết để nắm tình hình, chuẩn bị phương án đưa nạn nhân về với gia đình.
Thời gian nghỉ trưa, mọi người dừng tay nghỉ ngơi, tranh thủ ăn khi là miếng bánh, lúc hộp cơm, rồi vội vàng tiếp tục “chiến đấu”. Ăn vội gói mì tôm sống, đại úy Hoàng Văn Tùng, Phòng Cảnh sát Cơ động - Công an tỉnh cùng các lực lượng lại khẩn trương tiếp tục tìm kiếm thi thể các nạn nhân quanh khu vực điểm sạt lở Khuổi Ngọa, xã Ca Thành. Thiếu úy Tùng chia sẻ: Ngay khi nhận lệnh sáng 9/9 tôi và đồng đội nhanh chóng hành quân đến hiện trường vụ sạt lở. Dưới trời mưa lớn, dòng nước lũ chảy xiết nên công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi quyết tâm khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân để họ nhanh chóng được về với gia đình. Với quyết tâm đội tìm kiếm của tôi cùng các lực lượng đã tìm thấy 5 thi thể nạn nhân cách khu vực sạt lở khoảng 1 km. Những hình ảnh đau thương nơi đây có lẽ còn mãi trong tâm trí chúng tôi.
Trời lúc mưa, lúc nắng, đất bùn nhão, lầy lội, có những lúc tưởng chừng cả người ngập xuống bùn đất, thêm vào đó, số lượng đất đá sạt lở quá nhiều, nhiều vị trí có nguy cơ sạt trượt cao, địa hình dốc, mọi người phải hỗ trợ nhau mới đến được các địa điểm tìm kiếm. Cuộc tìm kiếm cứ thế diễn ra liên tục và chỉ kết thúc khi trời đã chập choạng tối, không thể nhìn thấy rõ mặt người. Sau một ngày tìm kiếm vất vả, mọi người tản ra về những địa điểm được bố trí trước đó để ăn uống, nghỉ ngơi. Sáng sớm hôm sau, công việc tìm kiếm lại tiếp tục diễn ra.
Thượng tá Mã Thanh Hùng, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Bộ CHQS tỉnh huy động khoảng 150 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn bộ binh 5, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nguyên Bình để giúp đỡ người dân tại 3 điểm sạt lở, gồm: Xóm Khuổi Ngọa và Lũng Lỳ, xã Ca Thành; xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc. Trong quá trình tìm kiếm cứu nạn cứu hộ nạn nhân mất tích tại điểm sạt lở Lũng Lỳ gặp nhiều khó khăn do trời mưa kéo dài, nguy cơ sạt trượt lớn, yếu tố thời tiết lúc nắng, lúc mưa và địa hình có độ dốc cao. Để đảm bảo an toàn, tại các địa điểm, các vị trí tìm kiếm đều có bộ phận cảnh giới cảnh báo, kịp thời thông báo, báo động cho các lực lượng và người dân khi có nguy cơ sạt trượt xảy ra.
Gần 1 tuần, từ trong đống sình lầy, những hố sâu bùn đất trơn trượt, ngập ngụa, những thi thể các nạn nhân được lực lượng cứu nạn tìm thấy. Từ người già, thanh niên, phụ nữ, trẻ em.. rất đau thương. Là lực lượng được tập huấn bài bản, trải qua nhiều tình huống trong thực tế, nhưng nhiều người cũng không thể cầm được nước mắt khi phải tự tay đưa từng thi thể của đồng bào của mình ra khỏi đống đất đá ngổn ngang, lạnh lẽo. Mặc cho cơn mưa kéo dài không ngớt, các chiến sĩ thuần thục thực hiện các thao tác đưa người ra khỏi sình lầy một cách nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo vẹn nguyên nhất có thể. Sự bất lực xen lẫn xót xa hiện lên trên khuôn mặt của từng người, nỗi đau khi phải tận mắt chứng kiến và tự tay trao trả thi thể cho gia đình các nạn nhân sẽ là nỗi ám ảnh những người chiến sĩ ấy trong thời gian dài.
Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Lưu Xuân Nghị, nhân viên Trạm sửa chữa, Phòng Hậu Cần - Kỹ Thuật, Bộ CHQS tỉnh, người trực tiếp lao vào đống bùn nhão, đất đá nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân ngậm ngùi chia sẻ: ngay khi tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở, tôi cùng các đồng đôi lập tức lao vào để tìm kiếm các nạn nhân. Mỗi khi có dấu vết của nạn nhân mất tích, chúng tôi đều nỗ lực đào bới thật cẩn trọng để đưa các nạn nhân ra khỏi đống bùn nhão. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tìm kiếm do trời mưa to, khối lượng đất đá và diện tích tìm kiếm lớn nhưng trước những đau thương mất mát của người dân đã thôi thúc chúng tôi nỗ lực tìm kiếm từng mét đất bùn quyết tâm không bỏ xót khu vực nào, nỗ lực tìm kiếm để sớm đưa các nạn nhân về với gia đình. Tôi không nhớ đã tìm được bao nhiêu thi thể, chỉ thấy đau thương dâng trào khi nhìn thấy đồng bào nằm lạnh lẽo quanh bùn đất...
Bất kể nắng mưa, địa hình đồi dốc nguy hiểm, đất đá trơn trượt, bùn lầy hay nguy cơ sạt lở do thời tiết diễn biến phức tạp, những cán bộ, chiến sĩ làm công tác tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tại huyện Nguyên Bình nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Họ gắng tìm kiếm nhanh nhất để kịp thời cứu nạn, cứu chữa những người may mắn sống sót, còn những người không may bị thiệt mạng, quyết tâm tìm kiếm bằng được thi thể những nạn nhân xấu số để đưa trở về với hơi ấm của gia đình. Các anh luôn tâm niệm rằng, cố hết sức mình để giúp người dân nơi đây vơi bớt đau thương, vượt qua gian khó, sớm ổn định cuộc sống.
Tác giả: Hoài An (BCB)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn