Trăn trở từ "vùng đất khát"

Thứ sáu - 04/11/2022 22:16
Thực trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Hà Quảng đã xảy ra từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để. Do đó, việc xây dựng hồ chứa nước đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của người dân rất cấp thiết, đây là sự mong mỏi của bà con nơi đây cũng như trăn trở của lãnh đạo huyện.
Đoàn khảo sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiểm tra đường ống dẫn nước tại xã Yên Sơn (Hà Quảng)
Đoàn khảo sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiểm tra đường ống dẫn nước tại xã Yên Sơn (Hà Quảng)

CHẮT CHIU TỪNG GIỌT NƯỚC

Trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, thông qua các nguồn vốn Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, từ năm 2019 - 2021, huyện Hà Quảng được đầu tư xây dựng 39 công trình bể nước sinh hoạt 2 xóm Lũng Xuân, Nội Thôn; bể nước cộng đồng xóm Kéo Hai, xã Lũng Nặm; hồ chứa nước tại xóm Lũng Lâu, xã Vần Dính; hồ chứa nước Khau Sớ, xã Sỹ Hai... với tổng nguồn vốn trên 26 tỷ đồng.

Các công trình nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi đời sống của người dân vùng khan hiếm nước, giải quyết được một phần cơn khát của đồng bào vùng cao, nâng tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt ở vùng cao so với trước những năm 2019 từ mức 45,5 lít/người/ngày đêm tăng lên 47 lít/người/ngày đêm năm 2021. Trong đó, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 89,56% (năm 2019) lên 90,5% (năm 2021); tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt 24,7% (năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 80,7% (năm 2019) tăng lên 88,7% (năm 2021).

Tại 7 xã vùng Lục Khu được mệnh danh là "vùng đất khát" và một số xã khác trên địa bàn huyện thường xuyên lâm vào tình trạng khan hiếm nước. Thấu hiểu những khó khăn của bà con, huyện thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án phát triển nông thôn với các dự án cụ thể về xây dựng nông thôn mới để xây dựng một số công trình nước sạch nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của nhân dân. Do đó, việc đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung công suất lớn, đáp ứng nhu cầu dùng nước bền vững, lâu dài cho các xã vùng cao là rất cần thiết, bởi hiện nay tại các xã vùng cao chưa có nguồn cấp nước ổn định cho sinh hoạt và sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Yên Sơn Triệu Văn Diển cho biết: Những năm qua, nhờ các chương trình, dự án của Chính phủ, của tỉnh, huyện, phần lớn người dân trong xã đã có nước sinh hoạt, nhiều công trình nước tự chảy loại nhỏ đã được hỗ trợ xây bể nước sinh hoạt, nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ thời gian cung cấp nước trong mùa khô, còn lại vẫn phải "trông trời"...

NHỮNG KHÓ KHĂN HIỆN HỮU

Sau sáp nhập, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện 810,96 km², có đường biên giới dài 71,594 km. Đây là tiểu vùng hầu như không có sông, suối, không đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất, đất canh tác là đất trồng hoa màu, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa của nhân dân. Toàn huyện có 19 xã, 2 thị trấn; giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung. Trình độ dân trí giữa các vùng không đồng đều, ảnh hưởng đến việc triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Xuất phát điểm là huyện nghèo có nền kinh tế thấp, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, sản xuất hàng hóa chưa phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng cao Lục Khu đến cuối năm 2021 là: Lũng Nặm 55,4%, Cải Viên 57,5%, Nội Thôn 49,7%, Thượng Thôn 69,2%, Tổng Cọt 49,2%.

Hiện nay, việc đưa nước sạch về với nông dân vùng cao Hà Quảng còn gặp không ít khó khăn (trong đó, các công trình quy định nhân dân đóng góp một phần kinh phí để xây dựng gặp khó khăn trong việc huy động đóng góp) làm giảm tiến độ xây dựng; phần lớn các công trình không thu tiền nước, một số công trình thu tiền nước nhưng giá thấp, các khoản thu được sử dụng cho chi phí tiền điện, sửa chữa thường xuyên thiết bị, trợ cấp cho tổ quản lý... nhưng không đủ chi; nhiều công trình hư hỏng không có kinh phí sửa chữa. Nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế, ý thức bảo vệ và bảo quản công trình chưa cao; việc báo cáo tiến độ định kỳ của một số chủ đầu tư chưa nghiêm túc, gây khó khăn cho việc điều hành, nhất là những công trình phân cấp cho xã làm chủ đầu tư… Nguyên nhân khiến nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung bị xuống cấp do sử dụng đã lâu nhưng không được bảo dưỡng, sửa chữa vì không có kinh phí; một số công trình do ảnh hưởng mưa lũ, ống nước bị bục, vỡ, hư hỏng; bể lọc, bể chứa rò rỉ nước. Một số công trình do yếu kém trong khâu khảo sát nguồn nước dẫn đến không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, đặc biệt là vào mùa khô...

TẬP TRUNG NGUỒN LỰC CẤP NƯỚC SẠCH

Trước tình hình cấp thiết đó, sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật Dự án cấp nước sinh hoạt một số xã vùng cao tỉnh Cao Bằng, UBND huyện Hà Quảng tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các đối tượng liên quan, tạo sự đồng thuận để người dân có đất, tài sản trước khi Nhà nước thu hồi chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo đúng tiến độ.

Giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn huyện dự kiến bố trí nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương đầu tư 37 công trình nước sinh hoạt, trong đó có 33 công trình hồ vải địa, 4 công trình bể công cộng với tổng nguồn vốn 158,89 tỷ đồng. Căn cứ Quyết định số 2471/QĐ-UBND, ngày 9/12/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cấp nước sinh hoạt một số xã vùng cao của tỉnh, Quyết định số 873/QĐ-UBND, ngày 28/5/2021 của UBND tỉnh quyết định phê duyệt Dự án cấp nước sinh hoạt một số xã vùng cao tỉnh, trên địa bàn huyện Hà Quảng được phê duyệt 15 hồ vải địa và 3 bể công cộng, dự án được triển khai trên địa bàn 10 xã.

Việc đưa nước sinh hoạt đến với người dân "vùng đất khát" và tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, góp phần từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Nông Huế

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay6,630
  • Tháng hiện tại136,563
  • Tổng lượt truy cập9,007,779
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây