Thực hiện Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 và Nghị quyết số 897/NQ- UBTVQH14 ngày 11/02/2020 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh tiến hành sắp xếp, sáp nhập 6 huyện (Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Thông Nông, Hà Quảng, Phục Hòa, Quảng Uyên) để thành lập 3 huyện mới; sắp xếp đối với 76 xã, thị trấn để thành lập 38 đơn vị cấp xã mới, đổi tên 1 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 161 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 3 huyện, 38 xã). Sau khi thực hiện sát nhập đơn vị hành chính thì số cơ sở nhà, đất cần xử lý là 238 cơ sở, với tổng diện tích đất là 360.551,56m2, tổng diện tích sàn sử dụng nhà 164.141,95m2 (trong đó: 140 cơ sở nhà, đất tiếp tục sử dụng; 71 cơ sở nhà, đất điều chuyển sang đơn vị khác sử dụng; 23 cơ sở nhà, đất bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; 04 cơ sở nhà, đất chuyển giao về địa phương quản lý); số xe ô tô cần xử lý sau sát nhập đơn vị hành chính là 19 xe (trong đó: 13 xe ô tô giữ lại tiếp tục sử dụng; 02 xe ô tô điều chuyển; 04 xe ô tô thanh lý). UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử lý theo thẩm quyền 03 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất là 1.047,4m2, tổng diện tích sàn nhà là 821m2 (trong đó: 02 cơ sở là bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; 01 cơ sở là chuyển giao về địa phương quản lý).
Thực hiện Đề án số 12-ĐA/TU ngày 08/11/2018 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, huyện, Thành phố xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý theo quy định. Tính đến ngày 31/12/2021, số đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh là 633 đơn vị, giảm 203 đơn vị so với năm 2015, đạt 120,5% so với Đề án số 12-ĐA/TU. Bình quân mỗi năm giảm 6,07% ĐVSNCL trong giai đoạn 2018 - 2021. Sau sắp xếp số cơ sở nhà, đất cần xử lý là 479 cở sở, với tổng diện tích đất là 1.394.295,72m2, tổng diện tích sàn sử dụng nhà là 424.646,75m2 (trong đó:377 cơ sở nhà, đất giữ lại tiếp tục sử dụng; 76 cơ sở nhà, đất điều chuyển sang đơn vị khác sử dụng; 26 cơ sở nhà, đất bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất); số xe ô tô cần xử lý sau sắp xếp là 6 xe (trong đó: 03 xe ô tô giữ lại tiếp tục sử dụng; 03 ô tô điều chuyển). UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử lý theo thẩm quyền đối với 8 cơ sở nhà, đất (trong đó: 07 cơ sở là bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; 01 cơ sở là chuyển giao về địa phương quản lý).
Tổng kinh phí đã bố trí cho các huyện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Sau khi sát nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch một số lô đất thuộc đề án Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung Thị trấn Thông Nông (nay là huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2014- 2020 tầm nhìn đến năm 2030, tỷ lệ 1/2000; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của 10/10 huyện, thành phố được UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2021; kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện được UBND tỉnh quyết định trong năm 2021.
Tuy nhiên, do công tác bàn giao hồ sơ về nhà giữa chủ đầu tư và đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng chưa được thực hiện tốt dẫn đến một số đơn vị không có hồ sơ pháp lý về nhà và tài sản gắn liền với đất. Một số cơ quan, đơn vị gặp khó khăn trong quá trình báo cáo kê khai thực hiện sắp xếp, xử lý tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, chưa hoàn thiện hồ sơ về đất đai theo quy định. Việc bảo quản hồ sơ về nhà, đất và theo dõi tài sản trên sổ sách kế toán của một số đơn vị chưa thực hiện tốt.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đề nghị cần có quy trình bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh để giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, tránh trường hợp lợi dụng trong quá trình thực hiện; quan điểm của chính quyền đối với ý kiến của nhân dân muốn giữ lại các cơ sở nhà, đất làm công trình phúc lợi. Những cơ sở nhà đất không bán được, không tái sử dụng được thì hướng xử lý của địa phương. Việc sắp xếp tài sản công cần có lộ trình thực hiện, vậy việc bố trí kinh phí thực hiện bảo vệ tài sản như nào..
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch HĐND Nông Thanh Tùng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện, địa phương, đơn vị nêu cao trách nhiệm trong việc trông coi, bảo quản các tài sản, cơ sở nhà, đất chưa chuyển giao, chuyển nhượng, tránh tình trạng thất thoát, hư hỏng. Rà soát lại phương án sắp xếp, xử lý, sử dụng tài sản công của các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đối với các loại hình điều chuyển, bán, chuyển nhượng, giữ lại sử dụng, lập hồ sơ cụ thể, rõ ràng. Chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành chuyên môn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các cơ sở nhà, đất, tài sản công của các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập sau sáp nhập, sắp xếp; quy định cụ thể thời gian hoàn thành việc xử lý cho các đơn vị, địa phương, nhất là việc xử lý dứt điểm tài sản xe ô tô. Quan tâm phân bổ kinh phí, sửa chữa, nâng cấp, trông coi các cơ sở. Những cơ sở hết giá trị sử dụng, không bàn giao được có thể thực hiện xử lý bằng cách tháo dỡ, giao cho địa phương quản lý.…