Thực hiện Nghị định số 34/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/8/2000, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1220/2004/QĐ-UBND ngày 11/6/2004 quyết định cắm 243 biển báo (trong đó, 199 biển báo vành đai biên giới; 29 biển báo khu vực biên giới và 15 biển báo vùng cấm). Năm 2020, tỉnh Cao Bằng thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14 ngày 10/1/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Cao Bằng từ 9 huyện biên giới, 46 xã, thị trấn biên giới, 576 xóm biên giới, 158 xóm sát biên giới giảm xuống còn 7 huyện biên giới, 40 xã, thị trấn biên giới, 393 xóm biên giới và 119 xóm sát biên giới. Do đó, hệ thống biển báo khu vực biên giới, vành đai biên giới không còn phù hợp với địa giới hành chính sau sáp nhập và việc điều chỉnh phạm vi vành đai biên giới, bổ sung vị trí cắm biển báo vành đai biên giới, sửa chữa hệ thống biển báo nhằm đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới; tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hai bên biên giới và xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào khu vực vành đai biên giới theo quy định của pháp luật; phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới là cần thiết và cấp bách.
Dự thảo nghị quyết được xây dựng gồm 3 điều: Điều 1. Xác định phạm vi vành đai biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Điều 2. trách nhiệm của UBND tỉnh; Điều 3. Trách nhiệm của HĐND tỉnh và hiệu lực thi hành. Theo nội dung dự thảo Nghị quyết xác định, phạm vi vành đai biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tính từ đường biên giới vào nội địa, nơi hẹp nhất không dưới 100m, nơi rộng nhất không quá 1.000m; được giới hạn bởi hệ thống biển báo vành đai biên giới, các điểm đặc trưng và hệ thống biển báo vành đai biên giới.
Trên cơ sở hồ sơ trình, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo thống nhất cách viết (cách xác định) phạm vi vành đai biên giới trong dự thảo Nghị quyết và Phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ; xem xét quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng và tham khảo, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh vị trí vành đai biên giới sau sáp nhập các đơn vị địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh.
Kết luận thẩm tra, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nông Văn Tuân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu; bỏ quy định tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo về đối tượng áp dụng do nội dung này đã được quy định cụ thể trong Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ và Thông tư số 43/2015/TT-BQP ngày 28/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; thống nhất cách viết (xác định) phạm vi vành đai biên giới theo quy định tại Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ và hoàn thiện nội dung dự thảo nghị quyết để trình HĐND tỉnh thông qua; đồng thời chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện việc cắm biển báo vành đai biên giới trên tuyến đất liền của tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật; xây dựng khu vực biên giới đất liền vững mạnh về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh thống nhất trình Kỳ họp thứ 10 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVII xem xét, thông qua Nghị quyết xác định phạm vi vành đai biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng./.