Nghị quyết 95/2021/NQ - HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định phân bổ theo tiêu chí biên chế và tiêu chí từng loại địa bàn xã (loại I, loại II, loại III) cụ thể nội dung chi, mức chi tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng dự toán và giao dự toán hàng năm đảm bảo tính công bằng, hợp lý, công khai, minh bạch trong phân bổ ngân sách. Việc tăng định mức chi hoạt động thường xuyên giai đoạn 2022 - 2025 so với giai đoạn trước cơ bản đáp ứng được nhu cầu hoạt động của đơn vị.
Dự toán giao thực hiện năm 2022, 2023, 2024 là 924 tỷ 575 triệu đồng. Trong đó, giao đầu năm 815 tỷ 317 triệu đồng, bổ sung trong năm 2022, 2023 là 86 tỷ 317 triệu đồng. Tổng quyết toán năm 2022, 2023 là 534 tỷ 627 triệu đồng. Cơ cấu phương án phân bổ năm 3 năm, kinh phí phân bổ để đảm bảo chi cho con người 443 tỷ 926 triệu đồng; chi cho các hoạt động, nhiệm vụ đã có chế độ, định mức theo quy định 188 tỷ 378 triệu đồng; kinh phí phân bổ cho các đơn vị thực hiện theo khả năng của ngân sách địa phương 11 tỷ 132 triệu đồng.
Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, số đơn vị sự nghiệp năm 2022, 2023 có 5 đơn vị, năm 2024 có 39 đơn vị (34 trường học mới thực hiện cơ chế tự chủ). Kinh phí chi hoạt động thường xuyên giao theo định mức tại Nghị quyết số 95/2021/NQHĐND là 22 triệu đồng/biên chế/năm, lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/NĐ-CP là 10 triệu đồng/biên chế/năm (đã trừ 10% để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định). Kinh phí các đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2022 - 2024 giao 289 tỷ 970 triệu đồng, năm 2022, 2023 quyết toán 172 tỷ 637 triệu đồng. Trên địa bàn huyện có 2 đơn vị có nguồn thu là sự nghiệp giáo dục và đào tạo và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp hằng năm nguồn thu thấp. Các đơn vị sử dụng ngân sách sử dụng kinh phí được giao chi theo các tiêu chí định mức đã ban hành; thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thực hiện theo quy định.
Tuy nhiên, Nghị quyết 95/2021/NQ - HĐND ban hành định mức hoạt động chung đối với huyện Hạ Lang là 3.500 triệu đồng/năm, xã loại 1: 500 triệu đồng, xã loại 2: 450 triệu đồng, xã loại 3: 400 triệu đồng còn thấp; định mức phân bổ chi hoạt động của sự nghiệp giáo dục 22 triệu đồng/biên chế/ năm, sự nghiệp đào tạo và dạy nghề 21 triệu đồng/biên chế (chưa tính trừ 10% tiết kiệm) như hiện này là thấp; định mức phân bổ chi quản lý hành chính 35 triệu đồng/biên chế (chưa tính trừ 10% tiết kiệm) chỉ phù hợp với năm đầu thực hiện; định mức chi sự nghiệp kinh tế và môi trường chưa đáp ứng nhu cầu của huyện trong duy tu, bảo dưỡng đường, công trình giao thông, thủy lợi; hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải…
Tại buổi giám sát, thành viên đoàn giám đề nghị huyện làm rõ một số nội dung liên quan đến phân bổ ngân sách cho các xã, kinh phí sử dụng thường xuyên; công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình, kinh phí hoạt động của các nhà trường trong năm 2022, 2023; thực hiện chi, thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, giao kinh phí cho các trường, kinh phí để lại hoạt động chung cho Phòng Giáo dục và Đào tạo; những thuận lợi, khó khăn từ năm 2022 - 2024, nguyên nhân chưa phân bổ, giải trình tổng dự toán giao đầu năm, phân bổ giao dự toán chi ngân sách Nhà nước và phân bổ sự nghiệp, kinh phí thường xuyên giao từ cấp tỉnh về cấp huyện, giao bổ sung từ cấp huyện đến cấp xã…
Huyện kiến nghị: HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung tăng các định mức kinh phí hoạt động/biên chế/năm và tăng kinh phí hoạt động chung ngoài định mức cho cấp huyện, cấp xã đã ban hành tại Nghị quyết 95/2021/NQ - HĐND để các đơn vị, địa phương chủ động hơn trong thực hiện các hoạt động thường xuyên và nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Bổ sung tiêu chí phân bổ cho hoạt động cơ quan HĐND cấp huyện, cấp xã riêng do trong những năm qua việc phân bổ chủ yếu từ kinh phí hoạt động chung của cấp huyện, cấp xã nên không đảm bảo thực hiện các chế độ theo Nghị quyết 100/2021/NQ-HĐND. Bổ sung tiêu chí phân bổ riêng kinh phí hỗ trợ hoạt động cấp ủy, hoạt động Thường trực Huyện ủy, Văn phòng HĐND - UBND huyện.
Bố trí riêng kinh phí hoạt động tập trung cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, không tính chung trong hoạt động của các trường như hiện nay. Xem xét bổ sung tiêu chí hỗ trợ kinh phí trả lương hợp đồng cho lao động làm công tác bảo vệ tại các cơ sở giáo dục, do hiện nay các trường đã thực hiện tự chủ, tuy nhiên tại một số trường chỉ có từ 5 - 6 biên chế nguồn kinh phí hoạt động không đủ để chi trả lương cho bảo vệ. Tăng định mức chi sự nghiệp kinh tế do hiện nay nhu cầu duy tu, bảo dưỡng đường, công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống thoát nước là rất lớn, nhất là đường xã định mức 3 triệu đồng/km như hiện nay là rất thấp.
Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng đề nghị: Huyện bổ sung báo cáo liên quan đến giao sử dụng kinh phí năm 2022, 2023; Phòng Tài chính huyện cung cấp số liệu hồ sơ về dự toán chi thường xuyên năm 2022, cả phân bổ và sử dụng, quyết toán; Trung tâm y tế huyện cung cấp thêm phần sử dụng kinh phí thường xuyên theo định mức và quyết toán năm 2022; Phòng Giáo dục và Đào tạo cung cấp hồ sơ sử dụng kinh phí mức phân bổ 22 triệu đồng/biên chế/năm trong 2022.
Tác giả: K.T (BCB)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn