Duy trì tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tại các xã hoàn thành nông thôn mới

Thứ bảy - 17/06/2023 02:29
Xác định mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt hoạt động của ngành, thời gian qua, BHXH tỉnh quan tâm củng cố, phát huy vai trò của các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.
Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Minh Tâm (Nguyên Bình).
Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Minh Tâm (Nguyên Bình).

Giảm số lượng người tham gia bảo hiểm y tế

Năm 2021, thực hiện Quyết định số 861, trên địa bàn tỉnh có thêm 22 xã, thị trấn không còn thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, do vậy sẽ ngừng cấp miễn phí thẻ BHYT cho các đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (theo Luật BHYT, Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ) với khoảng 42.300 người, kinh phí 804.600 đồng/thẻ, tổng kinh phí trên 34 tỷ đồng/năm.

Việc ngừng cấp thẻ BHYT từ ngày 1/6/2021 đột ngột ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong khi chưa có thời gian tuyên truyền, phổ biến về việc thay đổi chính sách làm cho người dân có tâm lý bức xúc, ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Đồng thời, dẫn đến số lượng người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh giảm trên 41.800 người.

Qua đợt khảo sát kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy, việc thực hiện Quyết định số 861 ở địa bàn miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sáp nhập vào các xã NTM hoặc ra khỏi xã, xóm, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861 trong khi vẫn còn nhiều đối tượng hoàn cảnh khó khăn thì việc cắt giảm chính sách BHYT đột ngột sẽ gây khó khăn cho nhiều gia đình, đối tượng trong việc tiếp tục tham gia BHYT. 

Theo Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Qúy Sơn, với giá viện phí như hiện nay, trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn nếu không may xảy ra ốm đau, không được Quỹ BHYT chi trả thì nguy cơ “tái nghèo” sẽ rất cao. Thực tế cho thấy, tỷ lệ người dân tham gia BHYT (tiêu chí 15.1) trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM là chỉ tiêu khó và có sự biến động lớn đối với các xã trong việc duy trì, giữ vững và nâng cao tiêu chí này sau khi đạt chuẩn NTM. Với tác động của điều chỉnh chính sách nêu trên, mặc dù các cơ quan triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động nhưng vẫn có trên 10.000 người chưa tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ bao phủ BHYT mới chỉ đạt 94,9% dân số.

Một số xã đạt chuẩn NTM hiện nay chỉ đạt ở mức tối thiểu, điều kiện kinh tế còn những khó khăn nhất định như: Lương Can (Hà Quảng), Thị Hoa (Hạ Lang), Ngọc Côn (Trùng Khánh), Huy Giáp (Bảo Lạc)... thuộc Quyết định số 861 nay được công nhận đạt chuẩn NTM và xác định là xã khu vực I đã ảnh hưởng đến phạm vi, đối tượng, địa bàn thụ hưởng chính sách. Việc cắt giảm các chế độ, chính sách ảnh hưởng lớn đến tâm lý đối tượng thụ hưởng, trong khi thực tế đời sống của người dân còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, do nhận thức của người dân về chính sách BHYT còn hạn chế, chưa thấy được tầm quan trọng khi tham gia BHYT, bởi vậy, để người dân ở các xã đã và đang phấn đấu đạt chuẩn NTM (chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ mới thoát nghèo) từng bước chuyển biến nhận thức, hướng tới tự tham gia BHYT hộ gia đình để đảm bảo quyền lợi hưởng chính sách an sinh xã hội là vấn đề cấp bách hiện nay, chính quyền các địa phương cần xác định việc phát triển đối tượng tham gia BHYT ở những xã đã đạt chuẩn NTM là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.

Cần nhiều giải pháp để phát triển đối tượng

Năm 2022, BHXH tỉnh chủ động phối hợp với các cấp, ngành, địa phương liên quan tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT; đa dạng hóa các hình thức truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tính ưu việt của chính sách BHYT. Các địa phương tích cực vận động người dân tham gia BHYT, trong đó cơ quan BHXH, các tổ chức chính trị - xã hội, Bưu điện tỉnh, UBND cấp xã phối hợp tổ chức 262 hội nghị/12.160 lượt người. Phối hợp tổ chức 4.681 cuộc tuyên truyền trực tiếp theo nhóm nhỏ, tiếp cận trên 27.000 người dân để tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Qua đó, tăng mới 4.097 người tham gia BHXH tự nguyện, 4.860 người tham gia BHYT hộ gia đình.

Để giải quyết những khó khăn do tác động của Quyết định số 861, giảm bớt khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số nhất là khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, từng bước thích ứng với chính sách mới, không gây biến động đột ngột về chính sách đang được thụ hưởng, ngày 9/12/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 93/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ mua BHYT cho một số đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, từ ngày 1/1/2023 - 31/12/2025, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 30% kinh phí mua thẻ BHYT cho người tham gia BHYT thuộc hộ cận nghèo, nâng tổng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước lên 100% mức đóng; hỗ trợ thêm 20% kinh phí mua thẻ BHYT cho người tham gia BHYT là học sinh, sinh viên, nâng tổng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước lên 50% mức đóng; hỗ trợ thêm 15% kinh phí mua thẻ BHYT cho người tham gia BHYT thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, nâng tổng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước lên 45% mức đóng. Mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Khi Nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở thì số tiền đóng được điều chỉnh kể từ ngày áp dụng mức lương cơ sở mới.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 93, nhóm người không được ngân sách hỗ trợ tiếp tục tăng do hoàn thành NTM, xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm học sinh, sinh viên, người cao tuổi từ đủ 60 - 79 tuổi; người dân tộc thiểu số đặc thù, ít người rất khó khăn chưa tự mua được thẻ cần được quan tâm, hỗ trợ. Chính quyền địa phương các cấp phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền việc thay đổi chính sách để nhân dân hiểu, từ đó tự nguyện chuyển đổi sang tham gia mua thẻ BHYT theo hộ gia đình để không bị gián đoạn quyền lợi BHYT. Tích cực vận động nguồn lực để tạo điều kiện sinh kế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo nền tảng về kinh tế để người dân có điều kiện tham gia BHYT tự nguyện./.     

Tác giả: Nông Thị Huế

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay3,533
  • Tháng hiện tại152,959
  • Tổng lượt truy cập9,231,975
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây