Thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, ngày 16/7/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực ở nông thôn nhằm khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình số 08-CTr/TU), Đảng bộ tỉnh quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) gắn với công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ.
Năm 2021, toàn tỉnh Cao Bằng có 21.534 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp: Cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 15 đồng chí; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 53 đồng chí; Giám đốc, Phó giám đốc các sở, ban, ngành 144 đồng chí. Cấp huyện, Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy 145 đồng chí. Cán bộ chủ chốt cấp xã 918 đồng chí. Đây là lực lượng tinh hoa trong bộ máy nhà nước, có trí tuệ, năng lực; có tư duy, tầm nhìn chiến lược; có bản lĩnh chính trị, lý tưởng, đạo đức trong sáng, có tri thức lý luận, kinh nghiệm, am hiểu sâu rộng, được rèn luyện trong thực tiễn và có thành tựu trong công tác, vận dụng sáng tạo và xử lý tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng và địa phương được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng.
Trong công tác cán bộ, tỉnh Cao Bằng luôn bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các khâu trong công tác cán bộ như công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Những cán bộ được quy hoạch, bổ nhiệm, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành có triển vọng phát triển và được bố trí đúng vị trí, sở trường công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ sở đào tạo của Trung ương, 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và Trường Chính trị Hoàng Đình Giong... Đến nay, đội ngũ cán bộ của tỉnh từng bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn; số cán bộ, công chức có trình độ, cán bộ trẻ chiếm tỷ lệ nhất định. Trong tổng số 21.534 cán bộ, công chức, viên chức thì số cán bộ có trình độ tiến sĩ và tương đương 15 đồng chí (tỷ lệ 0,07%); thạc sĩ và tương đương 1.379 đồng chí (tỷ lệ 6,40%); đại học 12.383 đồng chí (tỷ lệ 57,51%); cao đẳng 2.900 đồng chí (tỷ lệ 13,4%); trung cấp 4.740 đồng chí (tỷ lệ 22,01%); còn lại 117 đồng chí (tỷ lệ 0,54%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tại tỉnh còn bộc lộ những hạn chế nhất định đó là: Công tác đánh giá cán bộ tuy được đổi mới cả về nội dung, phương pháp và quy trình nhưng vẫn còn là khâu khó, chưa xây dựng được bộ công cụ đánh giá và chế tài xử lý cán bộ; công tác quy hoạch cán bộ thiếu tính liên thông, thiếu chủ động trong gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ; công tác đào tạo sau đại học vẫn còn tình trạng học cho đủ bằng cấp, một số chuyên ngành đào tạo chưa theo hướng chuyên sâu của ngành, lĩnh vực; thiếu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn sâu, kỹ thuật cao trên các lĩnh vực đặc biệt là ở các lĩnh vực được xác định là thế mạnh, đột phá của tỉnh. Đối với cán bộ chủ chốt cấp xã đến nay mặc dù cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn (trung cấp trở lên) nhưng năng lực thực tế còn nhiều hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ, cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nghiệp vụ, năng lực công tác; công tác luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở chưa nhiều, chất lượng chưa cao, chưa có chính sách đặc thù, khuyến khích cán bộ luân chuyển, nhất là đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ chưa ngang tầm nhiệm vụ, khả năng phân tích, dự báo tình hình còn yếu, thiếu chuyên nghiệp, một số cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện; giảm sút ý chí, thiếu tâm huyết, ngại khó, ngại khổ...
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Một là, cần có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đồng bộ, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của từng cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng của công tác cán bộ, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hai là, thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII "Về tập trung xây đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"; Chương trình số 08-CTr/TU, ngày 16/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng "Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực ở nông thôn nhằm khắc phục điểm nghẽn nút thắt về chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025"; Đề án số 06-ĐA/TU ngày 29/10/2021 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025; chú trọng thực hiện các nghị quyết, quy định, kết luận, hướng dẫn của Trung ương gắn với tình hình thực tiễn của tỉnh về công tác cán bộ.
Ba là, đổi mới phương pháp, quy trình trong công tác cán bộ đảm bảo tính nguyên tắc toàn diện, khách quan, minh bạch; thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ để rèn luyện, đào tạo cán bộ trong thực tiễn; rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ trên cơ sở xây dựng kế hoạch đồng bộ giữa các khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí và thực hiện chính sách đối với cán bộ
Bốn là, Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chú trọng đến chất lượng đào tạo, xem đây là khâu đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; có cơ chế phát hiện, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Có thể nói: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước...; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân”. Tỉnh Cao Bằng xác định đây là khâu quan trọng cần phải tiếp xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.