Quốc hội Khóa XV - hướng tới những mục tiêu cao hơn

Chủ nhật - 23/05/2021 23:05
Chào đón Quốc hội khóa XV là chào đón Quốc hội của một thập niên mới, chào đón Quốc hội của một thời kỳ phát triển mới. Chính niềm tin và hy vọng của nhân dân là nguồn động lực to lớn để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới để vươn tới những mục tiêu cao hơn.
Quốc hội Khóa XV - hướng tới những mục tiêu cao hơn

Trước hết, Quốc hội cần vận hành tốt hơn chức năng của một thiết chế trung tâm trong nền quản trị quốc gia.

Quốc hội là thiết chế trung tâm bởi vì tất cả cơ quan nhà nước khác kể cả hành pháp và tư pháp đều hình thành trên cơ sở của Quốc hội. Người dân chỉ bầu ra Quốc hội. Đến lượt mình, Quốc hội mới bầu và phê chuẩn tất cả chức danh lãnh đạo cao cấp khác của Nhà nước.

Quốc hội là thiết chế trung tâm còn bởi vì Quốc hội kết nối Nhà nước với nhân dân. Nhìn từ góc độ của người dân thì Quốc hội là một phần của Nhà nước. Nhưng nhìn từ góc độ của các cơ quan Nhà nước thì Quốc hội lại là một phần của nhân dân. Tính chất đặc biệt này cũng thể hiện rất rõ trong các chức năng của Quốc hội. Khi thực hiện các chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát, thì Quốc hội vận hành như một cơ quan Nhà nước. Nhưng khi thực hiện chức năng là cơ quan đại biểu (đại diện) cao nhất, thì Quốc hội vận hành như một bộ phận của nhân dân. Sự kết hợp chặt chẽ cả các chức năng nói trên giúp cho Quốc hội định hướng cả nền quản trị quốc gia vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng thật sự vì lợi ích của nhân dân. Chức năng đại diện phải thật sự dẫn dắt cả hoạt hoạt động lập pháp cũng như hoạt động giám sát của Quốc hội. Với chức năng này, Quốc hội cũng cần bảo đảm được rằng “ý Đảng và lòng dân” được kết hợp chặt chẽ với nhau trong mọi quyết sách của Nhà nước.

Quốc hội là thiết chế trung tâm còn bởi vì Quốc hội là diễn đàn số một của quốc gia. Đây là nơi thông qua hoạt động báo cáo, thảo luận và chất vấn, mọi vấn đề quan trọng nhất của đất nước đều được nhận biết, mọi phản ứng chính sách đều được hình thành. Với chức năng diễn đàn, Quốc hội cần phải làm cho chính sách, pháp luật trở nên minh bạch hơn nữa. Lợi ích nhóm ẩn sau các con chữ cần phải được loại trừ. Quan trọng nhất là chất lượng của các cuộc thảo luận và tranh luận ở Quốc hội cần phải được nâng cao. Sáng bừng lên qua các hoạt động này phải là trí tuệ và sự anh minh của dân tộc.

Trong hoạt động lập pháp, Quốc hội cần coi trọng hơn chất lượng của các dự luật. Quan niệm nhiều luật là tốt có thể là một quan niệm đã lỗi thời. Đặc biệt, khi sự chồng chéo, sự xung đột của pháp luật đang làm cho cả người dân, cả doanh nghiệp và cả các cơ quan nhà nước đều khó khăn, lúng túng. Đó là chưa nói tới chi phí tuân thủ ngày một tăng cao đè nặng lên nền kinh tế và công cuộc mưu sinh của người dân. Một dự án xây dựng nhà máy, tuân thủ cho hết các quy định của Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường… thì chi phí về thời gian thường không dưới 3 năm. Các chi phí khác cũng nhiều vô kể. Nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã thẩm định các dự luật một cách kỹ càng hơn. Đây là khoảng thời gian, số lượng các dự luật bị tạm hoãn thông qua, bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự nhiều nhất. Có thể kể ra đây một số dự luật bị tạm hoãn như Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự như Luật hành chính công. Xu hướng này cần được Quốc hội khóa XV kế tục. Tâm lý làm luật theo kế hoạch cần được khắc phục. Chương trình xây dựng pháp luật cần phải linh hoạt và phù hợp hơn.

Thực tế cho thấy, lạm dụng điều chỉnh không phải bao giờ cũng tốt. Một đạo luật chỉ tốt khi chính sách lập pháp được đề ra đúng đắn, giải pháp lập pháp được đề hiệu quả và khả thi. Những đạo luật kém chất lượng không chỉ làm cho quy trình quản trị bị rối loạn, mà còn làm phát sinh những chi phí khổng lồ cả cho việc thực thi của các cơ quan Nhà nước, cả cho việc tuân thủ của các doanh nghiệp và những người dân. Đó là chưa nói tới việc những quy định mù mờ của các đạo luật còn trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự nhũng nhiễu và tiêu cực phát sinh. Chính vì vậy ban hành nhiều đạo luật kém chất lượng là một thảm họa, chứ không phải là một thành tựu.

Trong hoạt động giám sát, quan trọng nhất là phải bảo đảm trách nhiệm giải trình. Các phiên chất vấn của Quốc hội cần tạo điều kiện giúp cho các cơ quan Nhà nước giải trình được phản ứng chính sách, cũng như năng lực thực thi chính sách của mình. Bao giờ lợi ích của quốc gia, lợi ích công cũng phải được làm rõ; bao giờ lợi ích nhóm cũng bị phê phán, bị loại trừ. Bảo đảm trách nhiệm giải trình còn được hiểu là không giải trình được với Quốc hội thì phải bị mất tín nhiệm của Quốc hội. Quan trọng nhất ở đây là phải áp dụng luật nghị viện để các vị đại biểu Quốc hội có thể đề nghị thảo luận về chế độ tín nhiệm của Quốc hội đối với bất kỳ quan chức nào đã không giải trình được với Quốc hội. Trong nhiệm kỳ vừa qua, chất lượng giải trình được tăng lên đáng kể ở các phiên chất vấn và thảo luận ở Quốc hội là nhờ vào việc tranh luận được đề cao. Nhờ có cải tiến về thủ tục, nên việc tranh luận ở các phiên họp toàn thể của Quốc hội cũng diễn ra dễ dàng hơn. Cụ thể, để phát biểu hoặc chất vấn thì các đại biểu bấm nút đăng ký điện tử, nhưng để tranh luận thì các đại biểu lại giơ bảng xin tranh luận. Những chi tiết nhỏ về thủ tục như thế này lại rất quan trọng để vận hành thể chế hoạt động theo chế độ hội nghị như Quốc hội.

Trong việc thực hiện chức năng quyết định chính sách, Quốc hội Khóa XV cần quan tâm nhiều hơn tới chức năng quyết định ngân sách. Ngân sách là bản chất của chính sách. Mọi chính sách dù to tát đến đâu cũng ít có ý nghĩa, nếu việc phân bổ ngân sách không được thiết kế đi kèm. Quyền lực thật của Quốc hội thực ra nằm ở quyền phân bổ ngân sách. Thời gian dành cho việc thẩm định ngân sách chắc chắn sẽ phải thiết kế dài hơn; thủ tục thẩm định ngân sách chắc chắn sẽ cần phải đổi mới và hoàn thiện; năng lực thẩm định ngân sách chắc chắn sẽ phải được nâng cao. Khi vô tận các con số thu chi ngân sách không nói gì nhiều cho các vị đại biểu thì quả thực việc Quốc hội phê chuẩn ngân sách chỉ là hình thức. Vì vậy, cần sớm xây dựng một cơ quan chuyên môn về phân tích tài chính để trợ giúp cho các vị đại biểu Quốc hội hoặc chí ít cần tập hợp các chuyên gia đang có của đất nước để tư vấn cho Quốc hội trong quá trình thẩm định ngân sách.

Ngoài ra, Quốc hội là cơ quan đại diện cho quốc gia, vì vậy cần khắc phục hoặc giảm thiểu xu hướng đại diện cho các tỉnh. Do các đại biểu Quốc hội được bầu theo tỉnh nên xu hướng đại diện cho lợi ích của địa phương là khá tự nhiên. Đấu tranh, bảo vệ cho lợi ích của địa phương (tỉnh) cũng là lẽ thường, tuy nhiên lợi ích của quốc gia bao giờ cũng quan trọng hơn.

Cuối cùng, Quốc hội khóa XV là Quốc hội đầu tiên có đến 40%, tức là 200 đại biểu hoạt động chuyên trách. Đây là nguồn lực to lớn giúp Quốc hội hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Các đại biểu chuyên trách, đặc biệt là các đại biểu chuyên trách của Trung ương sẽ ít chịu tác động của xung đột lợi ích, vì vậy khi các đại biểu này được nâng cao năng lực, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng chất lượng hoạt động của Quốc hội nói riêng, cũng như chất lượng của cả nền quản trị quốc gia nói chung sẽ được cải thiện.

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay7,118
  • Tháng hiện tại32,579
  • Tổng lượt truy cập8,484,855
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây