Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn huyện, từ ngày 08/9/2024 đến 15 giờ 00’ ngày 10/9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn huyện Hòa An, mưa trên diện rộng đã gây đã xảy ra ngập úng, sạt lở đất gây ra một số thiệt hại về nhà cửa và hoa màu và cơ sở hạ tầng của 15/15 xã, thị trấn; 01 nhà bị đổ sập hoàn toàn do đất đá sạt lở và 01 hư hỏng nặng tại xã Bình Dương, Đại Tiến; 293 nhà tại thị trấn Nước Hai bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ; 76 nhà bị ngập úng tại các xã Hoàng Tung, Đức Long, Thị trấn Nước Hai; 10 hộ bị sạt lở ta luy dương sau nhà. 10/15 xã, thị trấn bị thiệt hại hoa màu, ao cá với diện tích 152,5ha; 15/15 xã thị trấn bị ảnh hưởng về giao thông, công trình thuỷ lợi và cơ sở hạ tầng khác.
Để có thể chủ động ứng phó kịp thời với cơn bão số 3, UBND huyện đã chỉ đạo, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra liên tục 24/24 giờ đảm bảo thông tin liên lạc thường xuyên, nhanh chóng; di dời các hộ bị ngập úng, sạt lở đến nơi an toàn; khẩn trương xử lý tình trạng sạt lở, cây đổ đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt. Đối với các điểm ngập úng, sạt lở, lãnh đạo huyện đã kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế và chỉ đạo các lực lượng chức năng căng dây, cắm biển cảnh báo và trực canh gác...
Đến kiểm tra thiệt hại cũng như công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các khu vực ngập nặng tại thị trấn Nước Hai gồm xóm Mã Quan; khu Bản Đon xóm 6 Bế Triều; xóm Nà Tẻng. Tại buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng, ghi nhận sự chủ động, cố gắng của huyện Hòa An trong việc triển khai các phương án ứng phó với mưa, bão những ngày qua, chia sẻ những thiệt hại mà mưa lũ gây ra đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng, mong muốn các hộ sớm ổn định đời sống, sản xuất. Đề nghị địa phương tiếp tục tăng cường nắm chắc tình hình diễn biến mưa lũ, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra ngập úng, chia cắt cục bộ để đảm bảo an toàn cho người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ dân có biện pháp phòng ngừa; phân công các lực lượng ứng trực tại các địa điểm ngập úng, nguy hiểm để kịp thời xử lý các tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân, đặc biệt là các vùng bị chia cắt bởi mưa, lũ, ngập úng...Qua đó giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa, bão gây ra./.