Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7/9, trên địa bàn Thành phố có mưa vừa, mưa to trên diện rộng, đến thời điểm 7h00 ngày 9/9 mưa đã ngớt, tuy nhiên, do mưa to từ đầu nguồn nên mực nước sông Bằng Giang, Sông Hiến dâng rất nhanh. Mực nước lũ Sông Bằng, lúc 6 h00 sáng 9/9 tại Trạm thủy văn Bằng Giang 182,80 m; thiên tai làm 308 nhà ngập úng; 213 ha cây cối, hoa màu bị thiệt hại.
Ngay từ đầu giờ chiều 8/9, mực nước Sông Hiến dâng nhanh, dồn rác, cây cối gây cản trở dòng chảy tại Cầu Ngầm, Thành phố đã chỉ đạo lực lượng và phương tiện xử lý, đồng thời, chỉ dẫn người tham gia giao thông không qua khu vực ngập lụt để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng. Hiện mực nước sông đã tràn vào các tuyến phố thuộc địa bàn phường Hợp Giang, Sông Hiến, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố và các phường đã huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ người và tài sản vào nơi an toàn, tránh thiệt thiệt hại mức thấp nhất.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh trực tiếp kiểm tra một số điểm ngập, lụt tại các Tổ dân phố 1, 2, 3 phường Hợp Giang, Trường Mầm non 1/6, khu vực Cầu Ngầm, cho thấy sự chủ động ứng phó của địa phương, tại mỗi điểm ngập sâu đều có biển cảnh báo và lực lượng trực tại chỗ.
Đồng chí đề nghị Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố thường xuyên theo dõi sát sao tình hình mực nước trên sông, có biện pháp huy động các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ đưa người dân đến nơi an toàn. Kiên quyết di dời người và tài sản có nguy cơ bị thiệt hại, với phương châm bảo đảm tính mạng cho người dân phải đặt lên hàng đầu. Hiện mực nước Sông Hiến, Sông Bằng vẫn dâng cao, các lực lượng cần thường xuyên theo sát tình hình, cập nhật mực nước sông từng giờ để có biện pháp ứng phó kịp thời. Lực lượng công an quan tâm bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, bảo vệ tài sản của các hộ dân phải sơ tán, xử lý nghiêm việc lợi dụng bão lụt để vi phạm pháp luật. Thống kê thiệt hại, đề xuất các nguồn hỗ trợ phù hợp. Dọn dẹp, vệ sinh, sửa chữa cơ sở vật chất các trường học bị ngập ứng, sớm bảo đảm điều kiện cho công tác dạy và học; các nhà trường chỉ tổ chức dạy học khi bảo đảm an toàn mọi điều kiện. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn người dân các biện pháp sản xuất cây trồng, vật nuôi sau bão, lũ. Chủ động đề xuất biện pháp hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để người dân tổ chức lại sản xuất khi lũ rút. Ngành Y tế sớm có phương án tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân tiêu độc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh.
Tác giả: Vũ Tiệp (BCB)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn