Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc công trình; quản lý đầu tư và xây dựng; quản lý và sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; 2 quyết định liên quan đến thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xây dựng, qua đó, thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng cơ bản được rút ngắn từ 20 - 50% theo quy định.
UBND tỉnh đồng ý và giới thiệu địa điểm xây dựng 20 công trình, phê duyệt 9 đồ án quy hoạch, phê duyệt 8 nhiệm vụ quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh cục bộ 15 đồ án quy hoạch. Bố trí vốn cho các dự án hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư với 47 dự án đã và đang triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng tại khu vực đô thị các huyện, Thành phố trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh cấp 896 giấy phép xây dựng, bổ sung 13 mỏ vật liệu xây dựng vào quy hoạch; điều chỉnh, mở rộng diện tích 2 mỏ đá.
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công toàn tỉnh năm 2021/trên tổng vốn thực tế đã giao đạt 92,8% kế hoạch, có cải thiện so với những năm gần đây song vẫn thấp hơn bình quân chung của cả nước (giải ngân bình quân cả nước đạt 94,94%). Tổng số vốn đầu tư công thực hiện và giải ngân trong năm 2021 là 3.419 tỷ 198 triệu đồng, tổng số vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư thực hiện 2.493 tỷ 158 triệu đồng, bằng 85% kế hoạch HĐND giao. Kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2021 đến hết ngày 31/1/2022 là 405 tỷ 023 triệu đồng, đạt 82,4% kế hoạch. Kế hoạch vốn còn lại chưa giải ngân 86 tỷ 472 triệu đồng.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân thấp do công tác chuẩn bị đầu tư tại một số đơn vị chậm; quy trình, thủ tục đầu tư qua nhiều khâu, lấy ý kiến của nhiều cơ quan; một số gói thầu với hình thức là đấu thầu rộng rãi nhưng số lượng các nhà thầu dự thầu ít; tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; một số dự án phải đợi nhà tài trợ thực hiện kiểm toán và phê duyệt kết quả mới được giải ngân…
Tổng vốn đầu tư công năm 2022 được HĐND tỉnh thông qua 3.739 tỷ 714 triệu đồng, đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư thực hiện 2.471 tỷ 220 triệu đồng, bằng 66,1%. Đến ngày 13/5/2022, toàn tỉnh giải ngân đạt 6,2% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn bình quân chung của cả nước (giải ngân bình quân cả nước 4 tháng đầu năm đạt 18,48%). Trong số 30 chủ đầu tư được giao vốn đầu tư công, chỉ có 10 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 20%, 12 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân; một lượng vốn lớn thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2022 đến nay chưa đủ điều kiện phân bổ chi tiết, gồm 953,6 tỷ đồng vốn dự kiến bố trí cho Dự án xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), chiếm 25% tổng kế hoạch năm 2022. Tiến độ giải ngân đối với danh mục dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng giai đoạn 2016 - 2020 chậm nhất đến hết ngày 30/9/2022, giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.
Yếu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố, các ban quản lý dự án nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện đi trước đón đầu các dự án; bám sát các địa bàn được phân công phụ trách để tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng công trình, đẩy nhanh giải ngân vốn. Chú ý đến sự chuyên nghiệp, chất lượng của các đơn vị tư vấn, các nhà thầu, yêu cầu các đơn vị cam kết về chất lượng và tiến độ công việc; giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị không đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc. Các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các ban xây dựng Đảng làm tốt công tác tuyền truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong triển khai dự án, chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng.
UBND tỉnh tiếp tục thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, cho ý kiến chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, đơn vị. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính rà soát các nguồn vốn, chuyển vốn từ các dự án không có khối lượng, chậm tiến độ, chậm giải ngân sang các dự án có nhu cầu thanh toán nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.
Các cơ quan chuyên môn liên quan của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương rút ngắn tối đa thời gian hoàn thiện, xử lý các hồ sơ, thủ tục thanh toán, quyết toán vốn đầu tư...; xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các địa phương, đơn vị, ảnh hưởng đến tiến độ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Các ngành, địa phương dồn sức, dồn lực, phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành các công trình, dự án đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.