Quyết liệt, bản lĩnh, sáng tạo, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Thứ sáu - 04/02/2022 08:10
Triển khai nhiệm vụ năm 2021 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội (KT - XH) gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, song với tinh thần chủ động, quyết tâm, quyết liệt, UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt và thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH; quốc phòng - an ninh và đảm bảo đời sống nhân dân. Đây là nền tảng quan trọng thực hiện các mục tiêu năm 2022.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa ưu tiên phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì và phát triển KT - XH, bảo đảm đời sống nhân dân. Triển khai kịp thời, quyết liệt các cơ chế, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý, điều hành. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức 3,33%, cao hơn so với mức tăng chung của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 37,14 triệu đồng, tăng xấp xỉ 1,8% so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, năm 2021 có 8/17 chỉ tiêu KT - XH của tỉnh đạt và vượt kế hoạch, kinh tế cơ bản ổn định, tăng trưởng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vượt khó đạt mức tăng trưởng khá. Cơ cấu nông nghiệp tăng trưởng theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi; từng bước mở rộng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế. Giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đạt 42 triệu đồng/ha. Sản lượng cây lương thực có hạt đạt gần 283.000 tấn; chăn nuôi phát triển ổn định, nhiều loại vật nuôi tăng về số lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 35 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, trong đó, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận có sức vươn ra thị trường, nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập. Hoạt động công thương có nhiều điểm sáng, tỉnh kịp thời tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ, có kế hoạch bố trí sản xuất hợp lý, quan tâm giải quyết khó khăn trong lưu thông hàng hóa... bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo giá hiện hành đạt 5.300 tỷ đồng, tăng 12,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 9.273 tỷ đồng, tăng 4,2%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 777,792 triệu USD. Công tác quản lý, điều hành ngân sách và các tổ chức tín dụng được thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 1.942,5 tỷ đồng, vượt 33% so với dự toán Trung ương giao, bằng 97% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Trong năm, thành lập mới 127 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 784,317 tỷ đồng; cấp mới chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 16 dự án, tổng vốn đăng ký 703,379 tỷ đồng. Để tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực cho sự phát triển KT - XH địa phương, tỉnh khẩn trương lập điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và huy động mọi nguồn lực để triển khai nhằm hoàn thành dự án trước năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, khởi công một số dự án lớn về phát triển giao thông quan trọng kết nối vùng, liên vùng, như: Công trình đường Tĩnh Túc - Phan Thanh - Mai Long (Nguyên Bình), quy mô thiết kế đường cấp VI miền núi dài 28,3 km; Công trình đường tỉnh 206, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) - Cửa khẩu Lý Vạn (Hạ Lang) được đầu tư với tổng kinh phí 383 tỷ đồng, quy mô thiết kế đường cấp V miền núi dài 24 km…
Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường giao thông đường tỉnh 213
tại thị trấn huyện Trùng Khánh. ảnh (P.O)
Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được chú trọng. Trong đó, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát xác định là một trong những nội dung quan trọng, được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành và nhân dân. Đến nay có 2.671 ngôi nhà hoàn thành; hàng nghìn ngôi nhà đang thi công, sửa chữa chuẩn bị nghiệm thu đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, tạo tiền đề cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Công tác phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, linh hoạt, quyết liệt với các biện pháp thực hiện phù hợp với tình hình, đặc điểm của tỉnh. Đến nay, tỉnh tiếp nhận trên 28.000 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về qua biên giới của tỉnh, trên 7.000 công dân của tỉnh trở về từ vùng dịch thực hiện cách ly y tế theo quy định. Tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân đảm bảo an toàn, kịp thời. Với phương châm “phòng từ xa, từ sớm, từ cơ sở”, Cao Bằng là tỉnh cuối cùng của cả nước ghi nhận ca đầu tiên mắc Covid-19 (ngày 5/11/2021). Đến nay, các ổ dịch cơ bản được kiểm soát. Tỉnh đã và đang tổ chức thực hiện giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết của Chính phủ, trong đó đặc biệt quan tâm việc đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát tốt nhất dịch bệnh, tạo điều kiện phục hồi nhanh và phát triển KT - XH vững chắc. Hiện nay, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, quyết tâm thực hiện hoàn thành tiêm vắc xin đủ 2 liều cho người từ 18 tuổi trở lên trong năm 2021; tổ chức tiêm mũi bổ sung và tăng cường cho các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Những kết quả đạt được là cơ bản, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan tác động mạnh khiến một số nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT - XH tỉnh năm 2021 chưa đạt kế hoạch như: tốc độ tăng trưởng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở ở một số địa phương chưa đáp ứng nhu cầu của người dân... Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm tạo động lực to lớn để phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ của cả giai đoạn 2020 - 2025. Từ những kết quả đạt được, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong nhân dân, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm, đoàn kết thi đua thực hiện thắng lợi 17/17 chỉ tiêu phát triển KT - XH năm 2022, trong đó, phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8%, GRDP bình quân đầu người đạt 41,11 triệu đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 11%; giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% trở lên, phấn đấu tăng thu ngân sách trên 10%... Để thực hiện thắng lợi mục tiêu KT - XH năm 2022, tỉnh xác định các nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ xuyên suốt thực hiện trong năm, trong đó: Tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát và sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, tạo thuận lợi cho nhân dân sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nhất là tại vùng dịch và đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần đầm ấm. Nhất là duy trì thực hiện nghiêm quy định “5K”; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 khoa học, an toàn, hiệu quả. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống y tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh. Đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong quản lý xã hội, phòng, chống dịch. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về các mục tiêu KT - XH 5 năm (2021 - 2025); tích cực thực hiện 3 chương trình trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh đã được xác định nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế. Trong đó: Tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án Nông nghiệp thông minh tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn năm 2030. Phát triển, mở rộng các sản phẩm OCOP đã có thương hiệu và xây dựng các sản phẩm OCOP mới. Thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các dự án chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ưu tiên nguồn lực, ưu đãi về chính sách cho một số ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực, đại diện cho công nghiệp của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thủy điện. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở khu công nghiệp, tạo mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư; phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH đồng bộ, hiện đại, nhất là giao thông, năng lượng, viễn thông, đô thị, cấp, thoát nước, thủy lợi, xử lý chất thải, dịch vụ hậu cần; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận, sử dụng bình đẳng với chi phí hợp lý. Phát triển mạnh thương mại nội địa theo hướng hiện đại trên cơ sở tái cơ cấu ngành hợp lý với sự tham gia của các thành phần kinh tế, vận hành trong môi trường cạnh tranh, có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước. Kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ nông sản, kết hợp với xây dựng mạng lưới phân phối kết nối với các địa phương trong tỉnh, trong vùng và nước ngoài (Trung Quốc) theo quy hoạch. Tích cực khai thác nguồn hàng xuất khẩu, hình thành những mặt hàng chủ lực dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch, giao thông, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và khắc phục những điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, sự thiếu đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương,... Trong đó: Tích cực thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tập trung nguồn lực để triển khai Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cấp sở, ngành, huyện, Thành phố (DDCI). Thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT - XH tỉnh. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng thu và kiểm soát chặt chẽ các nội dung chi ngân sách. Quan tâm phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp và tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm, tuyển dụng, sử dụng hiệu quả biên chế được giao và tiếp tục sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập theo quy định. Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục tập trung thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Làm tốt công tác tiếp công dân, hòa giải ở cơ sở và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng. Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại của Đảng với ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT - XH.