Theo đó, đối với nguồn vốn đầu tư phát triển hơn 515,7 tỷ đồng, tỉnh dự kiến phân bổ 69,4 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hơn 29,3 tỷ đồng quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; 500 triệu đồng cho huyện Nguyên Bình đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư; bố trí 343 tỷ 769 triệu đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS thuộc các xã, xóm đặc biệt khó khăn.
Bố trí 34,5 tỷ đồng đầu tư đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; hơn 11,3 tỷ đồng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; hơn 16 tỷ đồng đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn tại Bảo Lạc, Bảo Lâm; hơn 10 tỷ đồng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Hiện nay, đối với nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện bố trí vốn cho một số dự án không vướng mắc mặt bằng, thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu xây lắp trong năm, bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt ở mức cao nhất. Trong số 703 công trình, dự án dự kiến phân bổ có 601 công trình, dự án thực hiện theo cơ chế đầu tư thông thường; 102 công trình thực hiện đầu tư theo cơ chế đặc thù quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở ngành, UBND các huyện, Thành phố tổ chức rà soát danh mục, nội dung công việc để tổ chức thực hiện đạt tỷ lệ giải ngân vốn cao nhất.