Dự phiên họp có các đồng chí: Nông Thanh Tùng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Trung Thảo, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Bế Minh Đức, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Phiên họp xem xét, cho ý kiến một số văn bản, tờ trình phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh. Đối với Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh xin ý kiến điều chỉnh quy mô đầu tư dự án để phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế và khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 69,1 tỷ đồng xuống còn 60 tỷ đồng; điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư của ngân sách trung ương và của tỉnh theo chiều hướng giảm; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án kéo dài đến hết năm 2022. Đối với nội dung này, các đại biểu đề nghị: Cần rà soát, làm rõ việc áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành trong việc điều chỉnh dự án; làm rõ việc cân đối nguồn vốn đối ứng địa phương và thời gian đảm bảo thực hiện dự án.
Về Tờ trình xin ý kiến giao vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021, UBND tỉnh trình thay đổi phương án phân bổ cụ thể như sau: Kinh phí thực hiện tiểu dự án 3 phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững là 9,5 tỷ đồng cho 4 huyện nghèo nhóm 1 tại Quyết định số 275 ngày 7/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ; cơ cấu vốn giữa hoạt động phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn 4 huyện nghèo với tỷ lệ phân bổ là 80% và 20%. Kinh phí thực hiện Dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 là 207 triệu đồng, phân bổ cho 29 xã khu vực 1 và 2 theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; định mức phân bổ bình quân 7,14 triệu đồng/huyện; cơ cấu vốn giữa hoạt động phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo tỷ lệ phân bổ là 40% và 60%. Đối với kinh phí Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động năm 2021 là 4 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị Trường Trung cấp Nghề Cao Bằng.
Cho ý kiến chỉ đạo tại phiên họp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Cao Bằng, theo đó cơ bản nhất trí với các nội dung điều chỉnh như tờ trình. Tuy nhiên, cơ quan trình cần rút kinh nghiệm trong việc dự trù dự án, đặc biệt khi phát sinh vấn đề không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn cần chủ động đề xuất, xin ý kiến để kịp thời điều chỉnh. Đồng chí đề nghị khi được bố trí nguồn vốn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nâng cao trách nhiệm, đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ, chỉ thực hiện việc điều chỉnh một lần. Liên quan đến việc bố trí vốn đối ứng của địa phương, đồng chí đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cân đối rút vốn từ những dự án chậm giải ngân trong năm đề điều chỉnh bổ sung cho dự án này. Đối với Tờ trình xin ý kiến giao vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021, đồng chí nhấn mạnh cần tránh việc phân bổ dàn trải, nhỏ lẻ định mức kinh phí thực hiện các dự án trong chương trình.
Phiên họp cũng cho ý kiến thống nhất nội dung về ghi thu, chi ngân sách nhà nước từ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng và tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất do nhà đầu tư đã ứng trước năm 2021. Theo đó, ghi thu vào ngân sách tỉnh tiền thuê đất; ghi chi kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư đã ứng trước năm 2021 được đối trừ vào tiền thuê đất của 18 doanh nghiệp với 26 dự án, số tiền là 11,5 tỷ đồng.
Đồng thời, thông qua Chương trình công tác của Thường trực HĐND tỉnh năm 2022./.