Năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, KH đề ra. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 282,9 nghìn tấn, đạt 102% KH; trồng 1.874,37 ha rừng, đạt 131% KH, tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,54%; 2.651 hộ đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, đạt 101,9% KH; tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi đạt 1.292 tỷ đồng, tăng 5,79% so với cùng kỳ năm 2020; toàn tỉnh hiện có 19/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 11,63 tiêu chí/xã. Có 35 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh trở lên, vượt 5 sản phẩm so với KH, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao; nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh toàn tỉnh lên 54 sản phẩm. 91% tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100% KH…
Sở kiến nghị: Tỉnh xem xét, chỉ đạo tăng cường các nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới; bố trí kinh phí đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu thuộc Đề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó; cấp và đảm bảo đủ nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở ngay từ đầu năm 2022; điều chỉnh, bổ sung Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở và các chi cục thuộc Sở; thành lập thêm ban quản lý rừng phòng hộ tại các huyện: Quảng Hòa, Hạ Lang, Hà Quảng, Bảo Lâm, Hòa An theo Luật Lâm nghiệp năm 2017; mở rộng, thành lập thêm Khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn cao vít huyện Trùng Khánh; rà soát lại Đề án nông nghiệp thông minh phù hợp với điều kiện thực tế địa phương…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở NN&PTNT trong quá trình thực hiện phải bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thống nhất nhận thức và hành động theo phương châm "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó". Chú trọng làm tốt công tác xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chủ động vận dụng linh hoạt công tác cán bộ để bố trí, sử dụng cán bộ trong điều kiện biên chế bị giới hạn. Tập trung công tác quy hoạch và tổ chức lại sản xuất; chủ động rà soát, tham mưu cho tỉnh bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với tình hình thực tế để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh, trong đó, quan tâm quy hoạch từng vùng sinh thái, quy hoạch từng loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh, quy hoạch từng phân khu.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, đặc biệt làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để thay đổi tư duy của người dân nông dân trong sản xuất, hướng tới sản xuất theo chuỗi liên kết. Phối hợp với các ngành, địa phương quan tâm lai tạo, cấy ghép các giống cây trồng chủ lực, cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất; lưu giữ các giống cây bản địa quý hiếm; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông để làm tốt khâu bao tiêu sản phẩm, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi. Các sản phẩm OCOP cần có phương án hướng dẫn các địa phương nâng cao quy mô, chất lượng sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì sản phẩm đảm bảo các yếu tố về thẩm mỹ, phấn đấu có sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, quốc tế.