KHÓ KHĂN TẠI CÁC XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI
Qua khảo sát về các xã đạt chuẩn NTM của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy, đa số người dân các xã được công nhận đạt chuẩn NTM khá bất ngờ khi phải mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), con em đồng bào DTTS không còn được hỗ trợ tiền, gạo và miễn, giảm học phí như trước đây. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTG ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2026; Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2026, có 13 xã NTM của tỉnh không được hưởng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo. Chính vì vậy, hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân sẽ chấm dứt, trong đó có nguồn kinh phí 5 tỷ đồng/năm/xã (bình quân) Nhà nước cấp cho các địa phương để mua và cấp thẻ BHYT cho người dân, dẫn tới thực trạng số người tham gia BHYT tại một số xã đạt chuẩn NTM giảm, ảnh hưởng đến chỉ tiêu bao phủ BHYT (tỷ lệ bao phủ BHYT phải đạt từ 85% trở lên).
Đối với chỉ tiêu giáo dục, các trường không được hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng học tập, kinh phí nấu ăn và các chính sách khác. Học sinh ở những trường này không được miễn, giảm 70% học phí; không được hỗ trợ 569 nghìn đồng, 15 kg gạo/tháng theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ; học sinh mầm non không được hỗ trợ tiền ăn trưa 160 nghìn đồng/học sinh/tháng, nhà trường không được hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho trẻ theo Nghị định số 105/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, các trạm y tế thiếu một số trang thiết bị theo quy định, chủ yếu là máy siêu âm, máy đo điện tim, máy đo đường huyết, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh; các trạm y tế chỉ có thể tiếp nhận và chuyển bệnh lên tuyến trên chứ không thể khám, điều trị cho bệnh nhân khi thiếu các trang thiết bị y tế.
Thực hiện Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14 ngày 10/1/2020 về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC), tỉnh có 9 huyện, 1 thành phố; 161 đơn vị hành chính cấp xã; 1.462 đơn vị cấp xóm; bộ máy công quyền của ĐVHC cấp xã mới chính thức hoạt động. Theo đó, hoạt động tại các đơn vị thực hiện sáp nhập có sự chuyển biến và nhiều tác động đến lộ trình xây dựng NTM tại các địa phương.
Điển hình như xã Minh Tâm (Nguyên Bình) công bố đạt chuẩn NTM ngày 13/1/2016, sau khi sáp nhập 3 xã: Lang Môn, Bắc Hợp, Minh Tâm thành xã Minh Tâm mới đã không đạt chuẩn; 2 xã: Đào Ngạn, Phù Ngọc (Hà Quảng) về đích NTM năm 2018, 2019 trước khi sáp nhập thành xã Ngọc Đào năm 2020, sau sáp nhập nhiều tiêu chí bị xáo trộn, cần được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp. Chủ tịch UBND xã Minh Tâm Mạc Văn Cần cho biết: Sau sáp nhập, một số tiêu chí tăng khối lượng như: giao thông, thu nhập, môi trường…; ngoài ra, một số chỉ tiêu trong các tiêu chí NTM của xã có nguy cơ quay trở lại không đạt chuẩn vì kinh phí đầu tư cho duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất không kịp thời nên xuống cấp.
Qua khảo sát cho thấy, sau khi sáp nhập có tiêu chí bị giảm, có tiêu chí tăng khối lượng như: quy hoạch, giao thông, trường học, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, môi trường… đặt ra nhiều thách thức lớn cho công tác xây dựng NTM, đòi hỏi cần nhiều thời gian và công sức để thực hiện. Đặc biệt, những tiêu chí cần nhiều nguồn lực để thực hiện như: giao thông, trường học, môi trường khi sáp nhập khối lượng thực hiện tăng lên nhiều lần, trong khi thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã còn thấp, khả năng huy động nguồn lực trong dân hạn chế, đây là một trong những khó khăn, thách thức không nhỏ trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn các xã.
Ngoài những khó khăn trên còn một số vướng mắc như: sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức dư thừa; giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến nhân thân, tài sản của người dân... Để tiếp tục giải quyết những khó khăn các xã đang gặp phải, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành đề ra phương án giải quyết những công trình hạ tầng dư thừa, quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, KHOA HỌC
Mặc dù nhiều xã “cán đích” đạt chuẩn NTM, song để giữ vững các tiêu chí đã đạt, tạo “cú huých” phát triển hơn nữa là vấn đề không đơn giản vì chịu sự tác động từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Một số tiêu chí được xem là “mềm” như: thu nhập, môi trường, an ninh, trật tự xã hội, tỷ lệ hộ nghèo... khá mong manh nếu như thiếu sự hợp sức giữa người dân và chính quyền địa phương.
Giao thông, môi trường, thu nhập và hộ nghèo là những tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đây cũng là các tiêu chí khó đối với tỉnh trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Hiện nay, theo quy định mới của Chính phủ, đối với tiêu chí tăng thu nhập, trung bình thu nhập của người dân tại các xã đạt chuẩn NTM phải đạt 59 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đây là vấn đề khó khăn khi hầu như các xã NTM chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong khi việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp chưa đồng bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa chỉ một phần dẫn đến thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn thấp, vì vậy cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và người dân. Theo Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn, việc duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt đang là thách thức không nhỏ đối với các xã đạt chuẩn NTM. Các tiêu chí tĩnh như: giao thông, thủy lợi, trường học, điện, chợ nông thôn… nếu không được duy tu, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên sẽ bị hư hỏng. Các tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, an ninh trật tự, môi trường... luôn thay đổi và phụ thuộc vào yếu tố khách quan cũng như ý thức của người dân.
Thực tế trên đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm do nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế, công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền các địa phương gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực ngay khi ban hành khiến các địa phương rơi vào bị động, chưa kịp tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu thì chính sách đã thực thi. Cùng với đó, đồng bào DTTS khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại; việc xây dựng NTM ở nhiều nơi vẫn nặng về hình thức, chạy theo thành tích, số lượng, chưa chú trọng đến chất lượng. Bộ mặt nông thôn tuy đổi mới nhưng chưa bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân chưa được nâng cao dẫn đến các địa phương gặp khó khăn để giữ vững các tiêu chí NTM...
Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chung sức, đồng lòng, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa; mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên bám sát cơ sở, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thay đổi cách làm trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn