Tiến độ thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát
Tính đến hết tháng 10/2024, trên địa bàn toàn tỉnh mới thực hiện được 3.387/7.121 hộ đạt 47,56% kế hoạch năm 2024. Nguồn vốn CT MTQG giảm nghèo bền vững (dự án 5) giải ngân cho 2.882 hộ, kinh phí 116.197 triệu đồng đạt 55% KH 2024. Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hoàng Thị Mỹ Hảo đã giải trình làm rõ nguyên nhân đạt thấp việc rà soát, thống kê hiện trạng nhà ở, đất đai khi người dân bắt đầu đăng ký nhu cầu hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà chưa đầy đủ, số lượng các hộ vướng mắc về đất đai còn khá lớn; số nhà đã hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở nhưng chưa được giải ngân còn số lượng lớn...Giải pháp từ nay đến hết năm 2024 là tập trung kiểm tra tính chính xác về đối tượng hỗ trợ, tiến độ triển khai, các khó khăn vướng mắc cần chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ cho các hộ gia đình, khẩn trương hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong những tháng cuối năm 2024, bám sát tình hình ở cơ sở, thường xuyên nắm thông tin từng hộ gia đình thuộc đối tượng hỗ trợ; kịp thời vận động, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình còn do dự chưa triển khai hoặc có nhu cầu thay đổi hình thức thực hiện, tiếp tục chủ động rà soát, xác định những khó khăn vướng mắc, phân loại trách nhiệm thực hiện theo từng cấp (cấp tỉnh, huyện, xã) để triển khai các giải pháp tháo gỡ không để ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các mục tiêu chung của Chương trình.
Giải pháp tháo gõ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Chu Đức Quang cho biết: Để khắc phục tồn tại, hạn chế Sở tập trung nguồn lực để khắc phục, giải quyết dứt điểm các hồ sơ quá hạn trong năm, với nhiều giải pháp như điều động, biệt phái công chức, viên chức, người lao động trong Sở và đề nghị UBND huyện, thành phố điều động công chức hỗ trợ giải quyết hồ sơ quá hạn tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai; rà soát các thủ tục, hồ sơ, bổ sung giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đến thời điểm hiện nay, số hồ sơ tồn quá hạn đã giảm, phấn đến đến hết năm 2024 sẽ cơ bản hoàn thành việc giải quyết các hồ sơ quá hạn. Thực hiện tổ chức thi tuyển và tiếp nhận viên chức vào công tác Văn phòng Đăng ký đất đai (chỉ tiêu còn thiếu) để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và giải quyết TTHC. Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện công tác luân chuyển, điều động công chức, viên chức tại các phòng chuyên môn, đơn vị (đặc biệt là người đứng đầu) để nâng cao trách nhiệm, ý thức công vụ và phòng, chống tiêu cực trong giải quyết TTHC. Thường xuyên kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân trong giải quyết TTHC. Đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm bố trí kính phí từ nguồn thu sử dụng đất hằng năm để đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, đặc biệt là cơ sở dữ liệu đất đai. Bố trí kinh phí để vận hành, duy trì hoạt động hệ thống thông tin quản lý đất đai (VBDLIS) phục vụ công tác quản lý đất đai và giải quyết TTHC. Đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh các huyện, thành phố để đáp ứng yều thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
Theo báo cáo giải trình của Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đến hết tháng 11/2024: Đã hoàn thành công tác đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính 6/6 huyện, thành phố. Hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất 4/6 huyện (gồm: Nguyên Bình, Thạch An, Quảng Hòa và Thành phố Cao Bằng). Hiện nay dự án đang gấp rút triển khai công tác xét duyệt hồ sơ cấp GCNQSD đất tại 02 huyện: Hòa An và Trùng Khánh.Giải pháp trong thời gian tới, Sở tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án. Ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện: Trùng Khánh, Hòa An, các bên liên quan và đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo các nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Kịp thời tháo gỡ khó khẳn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, khi được chính quyền địa phương, nhà thầu, người dân, phản ánh.
Tăng cường đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trả lời vấn đề này, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bế Văn Hùng cho biết: Năm 2024 tổng số vốn ngân sách Trung ương cấp là 2.240.116 triệu đồng. Đến thời điểm hiện nay tổng nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân là 947.684/2.240.116 triệu đồng, đạt 42,3%KH. Tỷ lệ giải ngân vẫn nhận định đạt được thấp, chủ yếu là tập trung do các nguyên nhân sau: Tổng nguồn vốn được phân bổ trong giai đoạn 2021 – 2024 là rất lớn, nhưng đến năm 2022 mới giao vốn triển khai thực hiện. Các văn bản hướng dẫn của trung ương đến nay ban hành tương đối đầy đủ nhưng chậm theo từng giai đoạn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một số cấp ủy, chính quyền, một số nơi còn lúng túng trong năm đầu thực hiện. Việc điều chỉnh nguồn vốn, các chủ đầu tư chưa rà soát kỹ nên dẫn đến không sát với thực tế, khó khăn trong thực hiện, xin điều chỉnh nhiều lần. Trung ương ban hành luật đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về thẩm quyền quyết định việc mua sắm (Điều 91) bắt đầu có hiệu lực từ 27/02/2024 và chỉ được tháo gỡ khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 44/2024/NQ-HĐND ngày 12/7/2024 (thời gian bị ảnh hưởng khoảng 05 tháng). Các sở, ban, ngành và UBND các huyện đã và đang tập trung chỉ đạo tiếp tục tăng tốc đẩy nhanh kết quả giải ngân khối lượng hoàn thành, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay đã có các dự án đạt khối lượng công việc nhưng chưa kết thúc nghiệm thu thanh lý nên chưa giải ngân (đặc biệt là các hoạt động sử dụng vốn sự nghiệp).
Giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, rà soát nội dung các văn bản quy định, hướng dẫn việc thực hiện Chương trình để kịp thời sửa đổi, bổ sung (đối với các văn bản do cấp tỉnh ban hành) hoặc kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Nghiên cứu, chủ động giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, tránh tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Nâng cao trình độ, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ công chức cấp xã trong tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Tiếp tục tăng cường tổ chức công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức các cấp được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan đến chương trình nhằm tăng cường nâng cao năng lực quản lý, điều hành Chương trình. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình MTQG ở các cấp, các ngành. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.