Tại buổi thảo luận tại tổ, có 33 lượt ý kiến với 108 nội dung phát biểu về các lĩnh vực. Đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và công tác tham mưu của các sở, ngành chuyên môn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn có những hạn chế, nguyên nhân đưa ra chủ yếu là khách quan, chưa đề cập đến nguyên nhân chủ quan.
Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục giải trình, làm rõ nguyên nhân, lý do 7/17 chỉ tiêu phát triển KT - XH năm 2021 không đạt theo kế hoạch; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cũng như trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, đề xuất biện pháp khắc phục trong năm 2022. Báo cáo cần điều chỉnh, bổ sung, đánh giá toàn diện, đầy đủ hơn về một số nội dung: Sản lượng một số cây trồng thế mạnh của địa phương; kết quả thực hiện sản phẩm OCOP trong năm 2021; công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tài nguyên - môi trường; số lượng người dân đi làm công nhân tại các khu công nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh quay trở về địa phương để nắm được tình hình đời sống, việc làm; kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; công tác cải cách hành chính năm 2021; công tác quản lý về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2022, đề nghị tập trung vào một số nội dung: Chỉ đạo, điều hành quyết liệt hơn gắn với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao vai trò tham mưu, đề xuất của các cơ quan chuyên môn, đảm bảo kịp thời, có chất lượng; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương; xây dựng kịch bản cụ thể đối với từng ngành, từng lĩnh vực để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8%; khẩn trương giao vốn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết để triển khai thực hiện từ đầu năm.
Các đại biểu cho rằng, hoạt động tiếp công dân tại một số địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập; kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết đến tận cùng của vấn đề. Đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng trả lời cụ thể, rõ vấn đề, rõ trách nhiệm và xác định rõ thời gian để cử tri được biết. UBND tỉnh sớm trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, triển khai chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cho các xóm, tổ dân phố sau sáp nhập; cho biết những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới để du lịch Cao Bằng thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khám, chữa bệnh ban đầu; có giải pháp đảm bảo các điều kiện dạy và học trực tuyến đối với học sinh vùng sâu, vùng xa đảm bảo thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay; đánh giá nguyên nhân, giải pháp khắc phục của tình trạng thiếu và mất cân đối biên chế trong ngành giáo dục; làm rõ trách nhiệm các vụ án bị sửa, bị hủy cũng như giải pháp nâng cao trách nhiệm của thẩm phán trong công tác xét xử...
Tiếp đó, các thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành phát biểu làm rõ thêm nội dung đại biểu quan tâm.
Ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2022. |
Về ý kiến bổ sung thêm một số chỉ tiêu trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2022, ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu chính cho tỉnh về phát triển KT - XH bày tỏ quan điểm giữ nguyên 17 chỉ tiêu cũ, còn những chỉ tiêu bổ sung nên đưa vào giải pháp thực hiện trong năm.
Đối với chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 8% trong năm 2022 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX là thách thức lớn, khó đạt, tuy nhiên với nỗ lực, quyết tâm cao tỉnh sẽ đạt được mục tiêu này, trên cơ sở xây dựng các kịch bản cụ thể, rõ ràng cho từng ngành, từng lĩnh vực. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh tập trung vào các giải pháp ngay từ đầu năm: Tiếp tục thúc đẩy một số dự án lớn của năm 2021 chưa thực hiện. Về lĩnh vực nông, lâm nghiệp sẽ duy trì đà tăng trưởng hiện có về trồng trọt và chăn nuôi (chiếm tỷ trọng lớn), duy trì địa bàn khai thác ngoài gỗ; thúc đẩy Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao. Về công nghiệp, sớm đưa vào vận hành khai thác các thủy điện, sản xuất pheromangan, quặng, mỏ sắt...; thúc đẩy Dự án phát triển đô thị 6a, 7a, 9a, 10a, Bắc sông Hiến... Căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19 cần chủ động, điều hành linh hoạt, phù hợp theo Nghị quyết số 128/NQ-CP gắn với các kịch bản cụ thể, khôi phục các hoạt động dịch vụ vận tải, thương mại, phát triển các dịch vụ công, thu hút đầu tư.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Truân. |
Đối với việc đánh giá cụ thể kết quả thực hiện sản phẩm OCOP, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Truân cho biết: Năm 2021, có 34 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh, trong đó có 14 sản phẩm hoàn thiện hồ sơ đánh giá và gửi Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh. Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh đã đánh giá, phân hạng 14 hồ sơ này để đưa ra đánh giá vào giữa tháng 12/2021. Đối với các sản phẩm còn lại, Văn phòng điều phối đang chủ trì, phối hợp UBND các huyện đôn đốc, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ, tiếp tục đánh giá phân hạng dự kiến hoàn thành cuối tháng 12/2021 và sẽ tham mưu trình UBND tỉnh quyết định công nhận đối với những sản phẩm OCOP cấp tỉnh theo quy định.
Đối với việc không đưa cây sắn vào danh mục cây trồng đặc sản, đặc hữu, Phó Giám đốc phụ trách Sở giải trình: Ngày 16/12/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 48/2020/HĐND quy định hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để có căn cứ xác định các loại cây trồng đặc hữu, có giá trị kinh tế cao để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, Sở đã xin ý kiến góp ý của các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện, tuy nhiên không có đề xuất bổ sung cây sắn vào dự thảo danh mục nên Sở tiếp thu, bổ sung và xây dựng danh mục dự thảo các cây trồng đặc hữu, cây có giá trị kinh tế cao gồm 13 loại cây, không có cây sắn. Thực tế đối với cây sắn thu hoạch một vụ khoảng 15 tấn/ha, tương đương khoảng 17,450 triệu đồng/ha, so với các cây trồng dự kiến tại danh mục cây trồng đặc hữu, cây có giá trị kinh tế cao khác, thời điểm hiện tại cây sắn có hiệu quả kinh tế chưa đáp ứng mục tiêu phát triển cây trồng đặc hữu.
Về tạm dừng xây dựng Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa xóm, tổ dân phố sau sáp nhập, bà Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình: Hiện, toàn tỉnh có 1.961 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố, trong đó 983 nhà cần cải tạo, xây mới, dự kiến cần kinh phí hỗ trợ trên 109 tỷ đồng. Sở chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành về giải pháp nguồn lực kinh phí hỗ trợ, tuy nhiên nguồn lực hiện có của tỉnh cân đối không đảm bảo mức hỗ trợ, các sở chức năng chưa xác định được nguồn kinh phí tại thời điểm này. Để ban hành được dự thảo nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa xóm trên địa bàn tỉnh phải chờ phân bổ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương. Sở sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện dự thảo và quy trình trình nghị quyết trong kỳ họp quý I/2022 của HĐND tỉnh.
Về thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Nông Tuấn Phong giải trình: Trong thời gian qua, nỗ lực tham mưu triển khai việc khám, chữa bệnh trên địa bàn, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Đã thành lập Tiểu ban truyền thông triển khai, cập nhật thông tin thường xuyên trên hệ thống truyền thông. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông lưu động chưa thực hiện được.
Sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, nhân dân thực hiện khám, chữa bệnh, tiếp cận dịch vụ y tế khá xa, Sở nghiên cứu, triển khai cung cấp dịch vụ đáp ứng cung ứng thuốc đầy đủ, thiết lập hệ thống kết nối từ xa với 15 trạm y tế xã vùng khó khăn. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn từ tỉnh đến xã việc cung ứng thuốc, trong đó chú trọng cấp thuốc mới, thuốc điều trị kéo dài. Để đảm bảo duy trì 2 điểm khám, chữa bệnh trong một xã vướng vào nhiều quy định, đang nghiên cứu phương án mô hình y tế lưu động, khi người dân có đề nghị thì cán bộ y tế đến tận nơi để khám bệnh.
Tác giả: Thanh Loan
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn