Là một xã miền núi giáp ranh với các tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai và Đắk Lắk được thành lập ngày 15/10/2003 trên cơ sở tách ra từ xã Ea Bar, xã Ea Ly có diện tích tự nhiên là 80,32 km². Toàn xã có 06 thôn, buôn với dân số hơn 7000 người thuộc 13 thành phần dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 58%. Được sự ưu đãi của thiên nhiên đã ban tặng cho Ea Ly một vị trí địa lý thuận lợi, đất đai, thổ nhưỡng phong phú, khí hậu thích hợp cho sự phát triển của cây trồng, vật nuôi.
Với tổng diện tích gieo trồng của địa phương là 5.014 ha, năm 2023 tổng diện tích gieo trồng của xã đạt 100,14% so với kế hoạch. Các cây trồng chủ yếu tập trung vào cây lương thực (lúa); cây lấy củ có chất bột (sắn); cây công nghiệp ngắn ngày (mía) và các cây lâu năm và cây ăn quả khác (cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả khác).
Cùng với định hướng của Đảng ủy, chính quyền xã, công cuộc phát triển nông nghiệp Ea Ly theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, tạo ra sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao đang ngày càng rõ nét, khẳng định sức mạnh to lớn của ngành nông nghiệp xã Ea Ly. Các vùng cây ăn quả, cây công nghiệp được hướng dẫn khuyến khích đầu tư, phát triển chuyển dịch theo hướng tập trung gắn với tổ, hội nghề nghiệp và chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại các thôn Tân Sơn, Tân Lập, Tân Bình… qua đó, từng bước hình thành định hướng, hướng dẫn một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng phát triển các sản phẩm, ngành nghề nông thôn theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó xây dựng một số thương hiệu sản phẩm hàng hóa chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và hướng xuất khẩu. Các vùng chuyên canh cây mía như Thôn 2/4, Buôn Zô…; các mô hình trang trại hộ gia đình như mô hình nuôi Ốc bươu đen, nuôi Dê kết hợp làm vườn, mô hình nuôi Chim bồ câu pháp... đem lại giá trị kinh tế cao, mô hình trang trại Cao su kết hợp cây ăn quả giá trị cao, mô hình cây Mác Ca …; các trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn đang hình thành ở Buôn Zô như: trang trại chăn nuôi công nghệ cao Phú Yên 3; trang trại chăn nuôi heo EaLy 1; trang trại chăn nuôi kết hợp nông nghiệp hữu cơ tổ hợp xanh; trang trại Higg Farm.…
Việc phát triển kinh tế trang trại nông lâm kết hợp đã góp phần đưa giá trị sản xuất Nông lâm nghiệp của xã đạt 327,538 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng (vượt kế hoạch đề ra).
Trao đổi với Đoàn công tác, lãnh đạo địa phương cho biết, để đạt được kết quả nêu trên, nhiệm kỳ 2021 -2025, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, phân công cụ thể đến các ban, ngành, bộ phận phụ trách để tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, hạn chế sản xuất tự phát và tập quán sản xuất cũ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế trang trại, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định vùng nguyên liệu sắn, mía; phát triển mạnh diện tích trồng cao su, mắc ca; tiếp tục xây dựng phát triển một số vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao tại một số thôn, buôn có điều kiện thuận lợi; có chính sách sách hỗ trợ sản xuất, nhân rộng, xây dựng thương hiệu các sản phẩm có lợi thế như: Sầu riêng, ca cao, cam, bơ...; phát triển các mô hình trồng cây dược liệu; tập trung nâng cao chất lượng đàn bò; phát triển đàn heo, đàn gia cầm, khuyến khích chăn nuôi tập trung, thâm canh, quy mô lớn, bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn dịch bệnh, sản xuất theo chuỗi giá trị. …
Qua tham quan, trao đổi đoàn công tác đã học tập được nhiều kinh nghiệm trong các khâu tổ chức, triển khai thực hiện và tìm giải pháp cho những khó khăn đặc thù của địa phương. Đồng thời tìm hiểu kỹ hơn về các mô hình kinh tế trang trại nông lâm kết hợp, liên kết chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm ... ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật. Kết quả này sẽ làm cơ sở tham mưu, đề xuất, xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Cao Bằng.