Qua giám sát cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) bao gồm: 01 Trường Trung cấp nghề, 09 Trung tâm GDNN-GDTX công lập cấp huyện, 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục (Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật Học Yến); 03 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. (Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp; Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ; Trường Cao đẳng Sư phạm). Giai đoạn 2019 - 2023, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tuyển sinh và đào tạo nghề được 29.591 người, trong đó: trình độ cao đẳng 353 người, trung cấp 2.865 người; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 26.373 người. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh từ 41,5% năm 2019 tăng lên 50% năm 2023. Các chính sách miễn, giảm học phí, chính sách nội trú, chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, học bổng được triển khai kịp thời, chi trả đầy đủ cho học viên đảm bảo đúng đối tượng theo quy định, giai đoạn 2019 - 2023 tỉnh đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với 20.248 học viên, với số kinh phí là 120.636 triệu đồng.
Giai đoạn 2019 - 2023, tỉnh đã tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm, 176 hội nghị tư vấn việc làm, học nghề và định hướng nghề nghiệp cho 65.434 người lao động, giới thiệu việc làm cho 3.545 người lao động, số lao động được tạo việc làm thông qua các chính sách hỗ trợ tạo việc làm là 21.568 lao động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.325 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng trên 27.000 lao động; 425 HTX đang hoạt động, sử dụng 2.800 lao động. Người lao động và người sử dụng lao động cơ bản thực hiện tốt các quy định về pháp luật lao động, không có tình trạng tranh chấp lao động phức tạp, tranh chấp tập thể và đình công.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng, chất lượng và ngành nghề đào tạo; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo các cơ sở GDNN chưa đồng bộ, một số không còn phù hợp với chương trình đào tạo; số lượng giáo viên tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu; việc liên kết đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động còn hạn chế; một số doanh nghiệp, đơn vị sử dụng người lao động còn nợ hoặc chậm nộp BHXH, BHYT, BHTN.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nông Hải Lưu đề nghị: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần rà soát, đánh giá lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh giải pháp điều chỉnh mạng lưới cơ sở GDNN; Tăng cường liên kết với các Trường đào tạo nghề để mở rộng ngành nghề đào tạo, liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo; Tăng cường phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo thực hiện phân luồng học sinh và định hướng đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông; Tăng cường kiểm tra, thanh tra và hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động đảm bảo đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Đối với kiến nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh và tiếp tục có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết.