Qua khảo sát cho thấy, UBND huyện đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện, UBND các cấp thành lập ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để triển khai thực hiện. Hàng năm UBND xã tổ chức rà soát, lập nhu cầu hỗ trợ đến các hộ dân để xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) trình Hội đồng thẩm định huyện xem xét thẩm định, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng thẩm định huyện, UBND xã chỉnh sửa bổ sung và ban hành quyết định phê duyệt dự án để triển khai trên địa bàn. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn đăng ký thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; ban hành thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án PTSX liên kết theo chuỗi giá trị thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Kết quả từ năm 2022 đến nay, huyện Hạ Lang đã phê duyệt thẩm định 105 dự án, trong đó UBND huyện phê duyệt 13 dự án, UBND các xã, thị trấn phê duyệt 92 dự án; đã phê duyệt 18 kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) liên kết theo chuỗi giá trị (02 kế hoạch không được phê duyệt). Triển khai thực hiện 113 dự án/kế hoạch hỗ trợ PTSX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng dự toán được phê duyệt hơn 105 tỷ đồng (bao gồm nguồn 3 CTMTQG gần 63 tỷ đồng, trên 42 tỷ đồng vốn đối ứng của các hộ gia đình tham gia dự án/kế hoạch hỗ trợ PTSX), tỷ lệ giải ngân đạt hơn 94%. Qua triển khai thực hiện các dự án/kế hoạch hỗ trợ PTSX, huyện Hạ Lang đã hỗ trợ nhân dân, nhân giống các loại vật nuôi (dê lai sinh sản, giống lợn nái, bò mẹ…) và các loại cây trồng (rong riềng, mía, lạc, Mác- ca..), hiện nay các cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, tạo nền tảng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào DTTS phát triển kinh tế, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại như: văn bản quy định thực hiện dự án mới ban hành, chưa kịp thời cập nhật nên tiến độ thực hiện dự án còn chậm; không có quy định về định mức tiền hỗ trợ cho từng đối tượng; trình độ, năng lực cán bộ ở một số xã, việc xác định các dự án, xác định các đối tượng hưởng lợi, nhận thức của người dân, cộng đồng tham gia phối hợp thực hiện chương trình còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại lại vào sự hỗ trợ nhà nước; doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp còn ít dẫn đến việc triển khai các kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn; đề nghị UBND tỉnh sớm phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025...
Tại buổi khảo sát, các đại biểu đề nghị UBND huyện nêu những khó khăn, vướng mắc của địa phương khi thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ PTSX; tính bền vững của việc thực hiện hỗ trợ khi không còn hỗ trợ của nhà nước thì các mô hình PTSX còn được thực hiện không? Khả năng thực hiện vốn đối ứng của nhân dân; vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các dự án liên kết hỗ trợ PTSX trong cải tạo giống vật nuôi, cây trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất, việc hỗ trợ con giống để phát triển chăn nuôi và cây giống để phát triển cây trồng của địa phương đã đảm bảo đúng quy hoạch được phê duyệt chưa? Đại diện UBND huyện đã có một số ý kiến giải trình tiếp thu với ý kiến của đoàn khảo sát.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn đề nghị UBND huyện tiếp tục quan tâm đến công tác chỉ đạo việc thực hiện chính sách hỗ trợ PTSX tại địa phương, đảm bảo vốn NSNN là nguồn dẫn dắt việc phát triển sản xuất của địa phương; có đánh giá tác động của thực hiện chính sách đối với phát triển đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nỗ lực trong lao động sản xuất để vươn lên và thoát nghèo./.
Trước đó, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực địa tại một số hộ gia đình tham gia dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và làm việc với UBND xã Thị Hoa huyện Hạ Lang.