Theo báo cáo của UBND huyện Hà Quảng, ngay khi có văn bản của Trung ương và tỉnh, UBND huyện thành lập ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách các xã, thị trấn. Kịp thời chỉ đạo các phòng ban, cơ quan đơn vị triển khai rà soát nhu cầu, lập danh mục công trình xây dựng cơ bản, xây dựng dự thảo các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo 5.546 hộ, chiếm 39,5%, hộ cận nghèo 1.681 hộ, chiếm 12%. Tổng kinh phí triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên 376,7 tỷ đồng, riêng năm 2022 trên 84 tỷ 200 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển trên 71 tỷ 200 triệu đồng, vốn sự nghiệp gần 13 tỷ đồng.
Huyện đầu tư các dự án: cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, kinh phí 73 tỷ 359 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển 71 tỷ 283 triệu đồng, vốn sự nghiệp 2 tỷ 076 triệu đồng; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo 4 tỷ 855 triệu đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp 2 tỷ 100 triệu đồng, cải thiện dinh dưỡng tỉnh không phân bổ vốn năm 2022; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, kinh phí vốn sự nghiệp 2 tỷ 239 triệu đồng; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 tỉnh không giao kinh phí thực hiện; truyền thông và giảm nghèo về thông tin 1 tỷ 028 triệu đồng, dự kiến giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thực hiện; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình kinh phí 668 triệu đồng, dự kiến giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện.
Kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện chưa thật sự bền vững, đa số các hộ thoát nghèo đều rơi vào cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo thoát hẳn sang hộ trung bình chiếm tỷ lệ thấp; việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh để giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn còn nhiều hạn chế. Hệ thống văn bản hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương chậm, dự kiến nhiều nội dung 6 tháng cuối năm 2022 khó triển khai thực hiện như: hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ cơ sở...
Huyện kiến nghị các bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn, kế hoạch định hướng kịp thời để các địa phương thực hiện đảm bảo tiến độ.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác cơ bản thống nhất cao với báo cáo đánh giá về tình hình triển khai, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của huyện giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời giải đáp những kiến nghị, đề xuất của huyện trong thẩm quyền cho phép; tổng hợp những ý kiến, kiến nghị trình các bộ ngành, cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, những ý kiến đóng góp là cơ sở để Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp thu, tổng hợp và trình Quốc hội, Chính phủ bổ sung, chỉnh sửa chính sách phù hợp để các địa phương thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 hiệu quả.