ĐBQH tỉnh Bế Minh Đức phát biểu thảo luận về Dự án Luật Cảnh sát cơ động

Thứ bảy - 28/05/2022 03:20
Sáng 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ băn khăn đối với nội dung quy định việc huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự tại Điều 16 dự thảo luật. Theo đại biểu, phạm vi các trường hợp được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự bao gồm cả trường hợp trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự là chưa hợp lý. Vì hoạt động tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự là hoạt động thường xuyên không mang tính cấp bách nên quy định quyền huy động trong trường hợp này không phù hợp.
Về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, dự thảo luật quy định quá rộng. Theo Điều 2 dự thảo luật quy định cán bộ, chiến sĩ CSCĐ bao gồm: sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc CSCĐ có những người phục vụ lâu dài và cả những người không phục vụ lâu dài trong lực lượng.
Đại biểu cho rằng, việc huy động ở đây là con người, phương tiện, thiết bị dân sự - là tài sản của nhân dân, có những tài sản giá trị lớn và rủi ro sẽ bị thiệt hại khi huy động, bên cạnh đó, sẽ có những trường hợp chưa thực sự cần huy động nhưng do việc sử dụng quyền huy động rộng quá nên cán bộ, chiến sĩ sẽ thiếu sự cân nhắc; hoặc là việc lạm dụng quyền trên để huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy rất phức tạp.
Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần xem xét quy định chỉ có những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết mới là phạm vi để CSCĐ có thể huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự. Đồng thời, giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là những người phục vụ lâu dài trong lực lượng và giữ cấp bậc nhất định.
Tại Điều 3 dự thảo luật quy định vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động, cần bổ sung vào cuối điều luật cụm từ “theo quy định của pháp luật” đảm bảo chặt chẽ, tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác.
Đại biểu cũng đề nghị không quy định nội dung hợp tác quốc tế về cứu nạn, cứu hộ đối với CSCĐ vì trong tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, vai trò của CSCĐ không phải chủ trì mà tham gia phối hợp, hỗ trợ các lực lượng khác theo quy định Khoản 8, Điều 9 dự thảo luật. Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về cứu nạn, cứu hộ được giao cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp Trung ương theo điểm h, Khoản 1, Điều 24 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP.
Ngoài ra, cần sửa đổi một số điều khoản của dự thảo luật để thể hiện rõ vị trí của CSCĐ là lực lượng thuộc Công an nhân dân, cũng như trách nhiệm của Bộ Công an với lực lượng CSCĐ.

Tác giả: Hoàng Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm64
  • Hôm nay8,482
  • Tháng hiện tại154,539
  • Tổng lượt truy cập8,177,060
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây