Phần hội gồm các hoạt động: trình diễn, trưng bày sản phẩm nghề thủ công truyền thống: nghề làm hương thảo mộc, khẩu sli, trình diễn và trưng bày sản phẩm làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi. Liên hoan hát dân ca, dân vũ; trưng bày ảnh văn hoá truyền thống của người Nùng Vẻn, xã Nội Thôn; thi trưng bày các sản phẩm du lịch, văn hoá, ẩm thực đặc sắc của địa phương trên địa bàn huyện...; thi chọi chim; thi đấu các môn thể thao dân tộc: đi guốc ván, lày cỏ, bắn nỏ, đi cà kheo và tung còn; Hội thi Bò xuân.
Tại buổi lễ, công bố quyết định Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống “Nghề dệt thổ cẩm của người Tày” và đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với hang Ngườm Gảng và Đền thờ Nùng Trí Cao tại xã Ngọc Đào.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy nhấn mạnh: Lễ hội về nguồn Pác Bó năm 2024 chúng ta vinh dự được công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề dệt thổ cẩm của người Tày và đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh hang Ngườm Gảng; di tích đền Nùng Trí Cao xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng. Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là động lực thúc đẩy thế hệ tương lai cùng chung tay lưu giữ và bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của quê hương cội nguồn cách mạng. Đồng thời, góp phần tôn vinh giá trị, sức sáng tạo của cha ông ta, của nhân dân ta trong việc giữ gìn di sản; là một sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến với huyện Hà Quảng, đến với quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng.
Để phát huy giá trị văn hoá, lịch sử của lễ hội về nguồn Pác Bó, đề nghị Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Ngọc Đào, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Hà Quảng tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của nhà nước về tổ chức lễ hội; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, di tích đã được công nhận. Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí từ sự nghiệp văn hóa, các chương trình mục tiêu và các nguồn kinh phí xã hội hóa hợp pháp khác để tổ chức lễ hội; bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích, phát huy hiệu quả giá trị di sản.
Đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về tổ chức lễ hội; cơ chế, chính sách cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đã được các cấp công nhận; trong đó chú trọng chính sách dành cho các nghệ nhân - những người nắm giữ tri thức về di sản và việc truyền dạy cho thế hệ con cháu để tri thức về di sản không bị mai một.
Đề nghị Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ văn hóa cơ sở về công tác quản lý, tổ chức lễ hội, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Nhà nước. Quan tâm, chỉ đạo, định hướng cho tỉnh trong việc khai thác, phát huy các di sản đã được công nhận để phục vụ phát triển du lịch, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Lễ hội được tổ chức hằng năm nhằm xây dựng hình ảnh điểm đến ấn tượng, mang đậm nét đặc trưng văn hóa địa phương gắn với giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ hướng về cội nguồn lịch sử, nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, lòng yêu nước và tự hào dân tộc, ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua lễ hội, xây dựng, quảng bá hình ảnh của huyện, các điểm di sản Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, danh lam thắng cảnh có tiềm năng phát triển du lịch đến với du khách trong nước và quốc tế.
Tác giả: Vũ Tiệp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn