Do ảnh hưởng bởi hoàn lưu sau bão số 3, trên địa bàn tỉnh có 2.239 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó 62 nhà sập đổ, cháy, hư hỏng hoàn toàn (>70%); 215 nhà hư hỏng rất nặng (50 - 70%); 178 nhà hư hỏng nặng (30 - 50%); 725 nhà bị hư hỏng một phần (< 30%); 1.059 nhà bị ngập nước; 734 nhà có nguy cơ sạt lở phải di dời. Trong đó, huyện Nguyên Bình có 30 nhà thiệt hại hoàn toàn, 321 nhà hư hỏng, ngập úng, 293 nhà thuộc diện di dời khẩn cấp; huyện Bảo Lạc có 27 nhà thiệt hại hoàn toàn, 460 nhà bị hư hỏng, 322 nhà thuộc diện di dời khẩn cấp; huyện Bảo Lâm có 7 nhà thiệt hại hoàn toàn, 349 nhà bị hư hỏng, 67 nhà thuộc diện di dời khẩn cấp.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận các phương án hỗ trợ cho người dân, làm sao cho người dân bị ảnh hưởng sớm ổn định chỗ ở. Các huyện kiến nghị một số khó khăn, vướng mắc như: việc bố trí, sử dụng kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại về nhà ở; khó khăn trong tìm địa điểm, bố trí mặt bằng cho các hộ dân để xây dựng nhà ở, trong đó có một số địa điểm sử dụng diện tích đất rừng, đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng; hỗ trợ địa phương đánh giá hiện trạng vùng bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao; khắc phục xử lý môi trường tại các điểm sạt lở gây chết người để phòng, chống dịch bệnh…
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc và Bảo Lâm tập trung rà soát, xây dựng phương án làm nhà cho người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai; phát huy vai trò của các cấp chính quyền, thành lập các tổ công tác xuống thực địa đánh giá, khảo sát, thống kê chính xác, đầy đủ số lượng nhà ở, diện tích, đối tượng trước ngày 30/9. Các sở, ban, ngành hỗ trợ địa phương đánh giá hiện trạng các vùng bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao. Ưu tiên hàng đầu đối với những đối tượng hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn bị thiệt hại nặng về người và tài sản, quyết tâm đến hết 31/10 có nhà ở cho người dân; đảm bảo hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ có nhà bị hư hỏng hoàn toàn và các hộ phân tán thuộc diện phải di dời khẩn cấp trước 31/12/2024. Đối với những nhà di dời phức tạp, phải xây dựng khu tái định cư mới, thực hiện xong trong quý I/2025.
Các địa phương tập trung rà soát lại chỗ ở tạm để người dân không phải ở nhà tạm bằng lán bạt; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh lựa chọn địa điểm và phương án xây dựng khu tái định cư tập trung theo chòm xóm hoặc phân tán hợp lý, an toàn, lâu dài, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh và theo nguyện vọng của người dân, gắn với đời sống phát triển kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi; xác định rõ từng loại nhà, nhóm nhà để có phương án hỗ trợ thiết thực nhất, thiết kế nhà ở mới phải phù hợp với bản sắc văn hóa của từng địa phương.
Các sở, ban, ngành phối hợp với địa phương hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, đánh giá thực trạng sử dụng đất rừng; hướng dẫn khắc phục thiệt hại về cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu chính sách hỗ trợ thiệt hại để phục hồi sản xuất, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Tác giả: CTV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn