Có 8/10 đơn vị thu hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán HĐND tỉnh giao (Hòa An, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thạch An, Hạ Lang, Hà Quảng, Trùng Khánh, Nguyên Bình), trong đó 2/8 đơn vị có tăng thu so với cùng kỳ năm 2021.
Công tác kiểm soát, kiểm tra, thanh tra thuế được tiến hành chặt chẽ. Hết năm 2022 có 1.703 doanh nghiệp, hợp tác xã và 8.325 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động, tỷ lệ hồ sơ khai thuế nộp đúng hạn đạt 98,98%; lập biên bản xử phạt hành chính đối với hành vi nộp chậm hồ sơ khai thuế 177 lượt với số tiền 620 triệu đồng.
Toàn tỉnh thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế, số nợ thu được 352,1 tỷ đồng, trong đó thu nợ năm 2021 chuyển sang 72,7 tỷ đồng, thu nợ phát sinh năm 2022 là 279,4 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2022, số nợ thuế ước 219,98 tỷ đồng, bằng 80,7% so với năm 2021, trong đó nhóm nợ khó thu 51 tỷ đồng, nhóm nợ có khả năng thu 168 tỷ đồng. Theo ngành nghề kinh doanh, nợ lĩnh vực khai thác khoáng sản trên 100,5 tỷ đồng; nợ lĩnh vực xây dựng cơ bản 61,3 tỷ đồng; nợ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện 34, 65 tỷ đồng; lĩnh vực khác 23,5 tỷ đồng.
Thu ngân sách toàn tỉnh năm 2022 hoàn thành vượt mức so với dự toán Bộ Tài chính và dự toán HĐND tỉnh giao. Tuy nhiên, một số khoản thu chưa đạt được như kế hoạch đề ra, nhiều nguồn thu giảm sút so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân nợ đọng thuế lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, một số doanh nghiệp ngừng nghỉ, bỏ kinh doanh; một số người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật, chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, nợ tiền thuế; người nợ thuế đã ngừng hoạt động, tự giải thể, không làm thủ tục thông báo đến cơ quan thuế… Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có các mỏ không còn hoạt động, hết hạn giấy phép khai thác, một số đơn vị được cấp giấy phép cấp quyền khai thác nhưng thực tế chưa hoạt động nên chưa có nguồn thu, nợ lớn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản kéo dài qua các năm...
Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu thu ngân sách 2.838 tỷ đồng, trong đó, giao thu nội địa 1.638 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.200 tỷ đồng. Đến nay, thu ngân sách đạt 245,9 tỷ đồng, bằng 10% dự toán Trung ương giao, bằng 9% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 12% so với cùng kỳ.
Để đạt được những mục tiêu đặt ra trong năm 2023, đề nghị kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện và tổ tư vấn thuế cấp xã. Các sở, ban, ngành bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển. Chủ động rà soát, tham mưu cơ chế, chính sách liên quan đến thuế trên cơ sở tình hình thực tế địa phương. Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia. Các sở, ngành phối hợp với các cơ quan thuế triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn tỉnh trong năm 2023; lấy địa bàn Thành phố làm điểm.
Rà soát các nguồn thu, đặc biệt là các địa chỉ bán đấu giá từ đất, tài sản trên đất; hoàn thiện và trình UBND tỉnh ký ban hành kế hoạch thu từ đất, tài sản gắn liền với đất năm 2023 trên địa bàn tỉnh ngay trong tháng 2/2023, bảo đảm thực hiện gắn với lộ trình cụ thể, khả thi, đúng quy định. Cần có giải pháp quyết liệt hơn trong công tác đôn đốc, cưỡng chế, thu hồi nợ đọng thuế, có lộ trình thu cụ thể đối với từng địa chỉ. Áp dụng các biện pháp quản lý thuế theo Luật Quản lý thuế, luật phí và lệ phí. Tập trung thu hồi nợ đọng thuế trên các lĩnh vực khoáng sản, dự án thủy điện, xây dựng cơ bản.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, rà soát lại cơ chế, chính sách; tổ chức gặp mặt, động viên, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin để có giải pháp điều chỉnh kịp thời. Tiếp tục triển khai kế hoạch mở, nâng cấp cửa khẩu, yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các sở, ngành liên quan, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế và các ngành, chống thất thu ngân sách; tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực có dư địa thu lớn, có rủi ro cao về thuế.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện công tác thu thuế. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách địa phương, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo, giao Cục Thuế - cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về các giải pháp quản lý hiệu quả công tác thu ngân sách Nhà nước, chống thất thu ngân sách và đôn đốc thu hồi thuế nợ đọng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ động, tích cực, quyết liệt triển khai nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách Nhà nước ngay từ đầu năm.
Tác giả: Phòng TH UBND tỉnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn