Trong 02 năm 2021 - 2022, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành đối với các lĩnh vực CCHC trên địa bàn tỉnh năm 20221 làm cơ sở để các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, bảo đảm đạt mục tiêu đề ra tại Kế hoạch CCHC của tỉnh. Ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC và thành lập Đoàn Kiểm tra công tác CCHC của tỉnh, tiến hành kiểm tra 12 sở, ngành và 06 UBND huyện (12 xã, thị trấn). Thực hiện hoàn thành đúng hạn được 132/215 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong 2 năm 2021- 2022, đạt tỷ lệ 61,39%; quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong CCHC, trong đó chú trọng tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp mới nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trên các lĩnh vực CCHC ở cả cấp tỉnh, huyện và xã.
Toàn tỉnh đã thực hiện rà soát, thông qua phương án đơn giản hóa đối với 1.722/1.838 TTHC cần rà soát, đơn giản hóa theo Kế hoạch; công bố mới 716 TTHC; 529 TTHC bãi bỏ; 477 TTHC sửa đổi, bổ sung. Các TTHC thuộc 3 cấp đều được cắt giảm thời hạn giải quyết từ 30% - 50%, trong đó 100% TTHC lĩnh vực đăng ký và thành lập doanh nghiệp đã cắt giảm từ 03 ngày làm việc xuống còn 02 ngày làm việc. Tỷ lệ TTHC của các cơ quan, đơn vị đều được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã đạt 100% và 100% cơ quan, đơn vị có TTHC đều được áp dụng Hệ thống thông tin một cửa điện tử trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC. Trong kỳ báo cáo, đã tiếp nhận 975.819 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 970.640 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,46%. Công tác cải cách tổ chức bộ máy được quan tâm thực hiện; các cơ quan hành chính được sắp xếp đúng quy định và cơ bản phù hợp về chức năng nhiệm vụ; việc thực hiện tinh giản biên chế được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Cơ bản các đơn vị trên địa bàn tỉnh được giao quyền tự chủ đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công. Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được đẩy mạnh; hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng số tiếp tục được phát triển; kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực; thành lập 1.462 Tổ công nghệ số cộng đồng với 6.502 thành viên trên toàn tỉnh; Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh được đưa vào vận hành thí điểm.
Bên cạnh kết quả đạt được còn tồn tại một số hạn chế: Kết quả công tác CCHC của tỉnh chưa được cải thiện thứ hạng, cụ thể: Chỉ số PAR-INDEX (năm 2021 xếp 57/63 tỉnh, TP; năm 2022 xếp 62/63 tỉnh, TP), Chỉ số SIPAS (năm 2021 xếp 63/63 tỉnh; năm 2022 xếp 62/63 tỉnh, TP); Chỉ số PAPI (năm 2021 xếp 61/63 tỉnh, TP; năm 2022 xếp 63/63 tỉnh, TP). Chất lượng tham mưu xây dựng, ban hành văn bản QPPL của một số cơ quan, đơn vị chưa cao; vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC trễ hạn ở các cấp; tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hoá đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh Cao Bằng có số lượng thấp. Hạ tầng, cơ sở vật chất, phần mềm CNTT, chuyển đổi số đã được đầu tư tuy nhiên chưa đáp ứng.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn trao đổi, thảo luận về một số hạn chế, tồn tại trong thực hiện công tác CCHC theo các lĩnh vực; lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành giải trình, làm rõ nguyên nhân dẫn đến một số kết quả của công tác CCHC còn thấp và đưa ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh tích cực, chủ động rà soát các văn bản đã ban hành, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên để kịp thời tham mưu bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo đúng quy định; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ đạo rà soát lại các TTHC chưa nhận được sự đồng tình cao của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai và đầu tư; nghiên cứu đơn giản hóa một số TTHC. Có phương án điều động cán bộ làm công tác giải quyết TTHC về đất đai ở các huyện và thành phố; phân cấp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh; tăng cường kiểm tra kỷ cương, kỷ luật công vụ… Chỉ đạo phân cấp, phân quyền triệt để theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương trên các mặt, nhất là về quản lý về con người. Các sở, ngành tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết các TTHC; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu; áp dụng các nền tảng số và phần mềm chuyên ngành; cùng chung sức xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp./.