Công ty cổ phần In Việt Lập Cao Bằng được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần từ tháng12/2006. Đơn vị có vốn cổ phần chi phối của Nhà nước trên 50%, vốn điều lệ 61,3%. Ngành nghề kinh doanh: In ấn phẩm các loại trên các loại giấy từ một màu đến nhiều màu (báo, tạp chí, bản tin, sách chính trị, sách các loại, lịch tờ, quảng cáo, tờ rơi, giấy tờ chứng chỉ, tem nhãn, biểu mẫu); in bao bì, trên chất liệu polyme và vật liệu khác; xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị ngành in.
Công ty có 3 phòng chuyên môn, 3 phân xưởng sản xuất với tổng số 16 cán bộ, công nhân viên, lao động. Giai đoạn 2017 - 2021, sản lượng đạt 855 triệu trang in, doanh thu đạt 32,8 tỷ đồng, tổng chi phí 30,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 2,5 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 2,9 tỷ đồng, năng suất bình quân lao động đạt 272 triệu đồng/người/năm, tiền lương bình quân 5,8 triệu đồng.
Trong quá trình thực hiện, Công ty luôn chấp hành đúng Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn về chính sách pháp luật của Nhà nước đối với ngành in, thực hiện đúng quy trình, lưu giữ đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định. Quản lý tốt trong sản xuất, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và tiến độ giao hàng cho khách hàng, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, kinh doanh.
Từ năm 2017 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty tương đối ổn định, chủ yếu in các ấn phẩm của Báo Cao Bằng, số lượng sản phẩm báo in, tạp chí và hóa đơn giá trị gia tăng giảm dần theo chế độ, chính sách của Nhà nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Sau khi thực hiện Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đổi tên đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng, số lượng báo in Báo Cao Bằng từ hơn 9.000 tờ/số giảm xuống còn hơn 4.000 tờ/số; một số sản phẩm truyền thống như hóa đơn giá trị gia tăng, tạp chí…, số lượng in giảm dần và ngừng hẳn do chính sách của Nhà nước, do vậy có sự bấp bênh về sản lượng sản phẩm sản xuất, doanh thu, lợi nhuận.
Bên cạnh đó, thực hiện Luật Đấu thầu một số sản phẩm in trên thị trường khó cạnh tranh, sự cạnh tranh trên thị trường tương đối phức tạp; các khoản chi phí sản xuất đang tăng dần. Những năm gần đây, Công ty phải đối mặt với những khó khăn, thách thức bởi đại dịch Covid-19 diễn biến khá phức tạp, thời gian dài làm ảnh hưởng đến khách hàng và tình hình sản xuất, kinh doanh. Việc thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Công ty cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cổ đông quan tâm tiền vốn cổ phần đầu tư; người lao động sợ mất việc làm nên chưa yên tâm công tác, một số trường hợp làm đơn xin nghỉ việc; khách hàng do dự khi ký hợp đồng mới...
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đề nghị Công ty làm rõ vấn đề lưu chiểu các sản phẩm in theo quy định, việc tổ chức đấu thầu; tổ chức bộ máy sản xuất cần thực hiện tinh giản, hiệu quả hơn, cần duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, chú trọng hoạt động quảng bá, tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm; cần đề xuất với tỉnh, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, các nhà đầu tư cam kết sử dụng lao động sau khi thực hiện thoái vốn nhà nước.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nông Hải Lưu khẳng định: Hiện nay, thực trạng chung là các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực in ấn, xuất bản phẩm đang đối mặt với những khó khăn, thách thức trong việc phát triển của công nghệ, cạnh tranh thị trường. Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đề nghị Ban lãnh đạo Công ty thường xuyên cập nhật thông tin, thị trường, nắm bắt kịp xu hướng kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, ứng dụng công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại đáp ứng nhu cầu in ấn của khách hàng. Tiếp tục thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động xuất bản. Tiếp tục thực hiện việc Cổ phần hóa thoái vốn DNNN./.