Kể từ khi đại dịch xuất hiện, tỉnh Cao Bằng đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 74 ngày 29/9/2021 và Nghị quyết số 43 ngày 15/7/2022 về công tác phòng, chống dịch, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Từ năm 2020 đến hết tháng 10/2022, tổng kinh phí huy động cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 là 530 tỷ 065 triệu đồng, trong đó, nguồn ngân sách Trung ương 186 tỷ 832 triệu đồng, nguồn ngân sách địa phương 343 tỷ 233 triệu đồng. Huy động từ các tổ chức, đoàn thể cho công tác phòng, chống dịch 16 tỷ 900 triệu đồng. Việc quản lý, sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật; đảm bảo sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục tiêu theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế 348 tỷ 198 triệu đồng; hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 43 tỷ 328 triệu đồng; hỗ trợ người sử dụng lao động tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp 7 tỷ 818 triệu đồng.
Việc thực hiện các chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng được chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh tiến hành 4 cuộc thanh, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về việc thực hiện các chính sách, pháp luật phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, không phát hiện sai phạm xử lý về kinh tế.
UBND tỉnh kiến nghị: Sớm ban hành các chính sách đãi ngộ với nhân viên y tế, chính sách tiền lương, phụ cấp...; có chính sách đặc thù với nhân viên y tế khối dự phòng, nhân viên y tế vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư, củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; phát triển hệ thống y tế trên cơ sở, chú trọng đầu tư phát triển các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện chuyên khoa nhằm chia sẻ, hỗ trợ, giảm tải cho các bệnh viện Trung ương. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách bố trí số người làm việc, kinh phí hoạt động đối với các xã triển khai thực hiện thí điểm bố trí thêm điểm trạm y tế xã thuộc các huyện, xã sau khi sắp xếp, sáp nhập các trạm y tế xã theo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có khó khăn về khoảng cách địa lý, khả năng tiếp cận, cung cấp dịch vụ y tế…
Tại buổi giám sát, các đại biểu thảo luận, giải trình, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch và công tác chuyên môn tại tuyến cơ sở; việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho các lực lượng tham gia chống dịch; chi trả theo các nghị quyết của Chính phủ…
Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức đề nghị: Tiếp tục tăng cường, quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản, chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch bùng phát trở lại; nghiên cứu, đề xuất HĐND tỉnh ban hành các văn bản chính sách hỗ trợ về dịch COVID-19, về công tác cán bộ y tế; quan tâm, củng cố hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; chú trọng chất lượng nguồn nhân lực y tế, nhất là y tế tuyến cơ sở; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cần được quan tâm hơn. Đồng chí cũng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo, bố trí kịp thời việc thực hiện thí điểm các điểm trạm y tế cơ sở. Các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu được đoàn tiếp thu, tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Tác giả: Quỳnh Như
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn